Cơ quan điều tra triệu tập Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến đến làm việc
Các Website khác - 22/03/2006
Ông Nguyễn Việt Tiến
tại trụ sở C14.
Mở rộng điều tra vụ tham nhũng tiêu cực xảy ra tại PMU 18, ngày 20-3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã triệu tập ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Giao thông vận tải.
Theo giấy triệu tập này, hồi 7 giờ 55 phút ngày 21-3, ông Tiến đã có mặt tại trụ sở Cục CSÐT tội phạm về trật tự xã hội tại ngõ 55 phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Ðình (Hà Nội) để làm việc về những vấn đề có liên quan trong vụ án. Sau khi kết thúc buổi làm việc buổi sáng vào lúc 12 giờ 8 phút, hồi 13 giờ 50 phút, ông Tiến tiếp tục làm việc đến 17 giờ 15 phút mới rời trụ sở cơ quan điều tra.

Nội dung cuộc làm việc xoay quanh trách nhiệm của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến trong việc để xảy ra hàng loạt sai phạm, tiêu cực tại PMU 18, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận, như việc cho mượn xe công bừa bãi, sai phạm trong sử dụng vốn và các dự án công trình giao thông, hành vi đưa và nhận hối lộ... Ông Tiến nguyên là Tổng giám đốc của PMU 18; năm 1998, sau khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Giao thông vận tải, đã bàn giao chức vụ này cho Bùi Tiến Dũng, bị can của vụ án đã bị khởi tố về tội đánh bạc, đưa và nhận hối lộ, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Với vai trò Thứ trưởng Giao thông vận tải, ông Nguyễn Việt Tiến được Bộ giao cho phụ trách quản lý nguồn vốn rất lớn, trong đó 70% nguồn vốn này được phân cho PMU 18, phần còn lại mới giao cho các PMU khác. Mặc dù không phải đơn vị hành chính sự nghiệp của Bộ Giao thông vận tải, không phải là doanh nghiệp và cũng không phải là cơ quan Nhà nước, nhưng với chức năng "quản lý dự án", quyền hành của PMU 18 rất lớn. Và chính vì "cơ chế" đó, Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng được mệnh danh là ông "vua con"...

Theo cơ quan điều tra, sở dĩ Bùi Tiến Dũng có nhiều quyền và lộng hành như vậy là vì đã xuất hiện "ê kíp" từ trên xuống dưới, và doanh nghiệp muốn trúng thầu phải lọt qua cửa này, với giá "bôi trơn" thấp nhất từ 15 đến 20 nghìn USD. Do phải tạo công ăn việc làm cho công nhân, nhiều tổng công ty xây dựng giao thông (Cienco) phải tìm cách "chạy" cửa PMU 18 để được trúng thầu. Chưa hết, nhiều nhà thầu đã trúng thầu còn bị chèn ép, tiếp tục phải lo lót suốt quá trình thực hiện dự án, bởi nếu không khó có thể nghiệm thu trót lọt hoặc phải chấp nhận nhường một phần dự án cho nhà thầu phụ (là những doanh nghiệp sân sau của Bùi Tiến Dũng) thi công, điển hình là Công ty cổ phần Hoa Việt do Nguyễn Mậu Thôn là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Mặt khác, "cơ chế" này còn tạo cho PMU 18 rất dễ phủi trách nhiệm, bởi nếu công trình có sự cố xảy ra thì các đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm chính, chứ không phải PMU 18.

Vụ thất thoát điển hình là gói thầu đoạn đường Bắc Ninh- Nội Bài của dự án cải tạo quốc lộ 18, với tổng dự toán được duyệt 581 tỷ đồng; theo quy định trong luận chứng kỹ thuật xử lý nền đất yếu phải rải bằng cát vàng với giá thành cao nhưng thực tế chỉ là cát đen (giá rẻ hơn 5 lần so với cát vàng). Ðương nhiên, vì thế mà chất lượng công trình không bảo đảm, hàng tỷ đồng chênh lệch đã bị xà xẻo.

Với cương vị là Tổng giám đốc "siêu ban" PMU 18, Bùi Tiến Dũng có số tài sản khổng lồ mà theo thống kê ban đầu, trị giá không dưới 150 tỷ đồng. Chính vì có nhiều xe công nên Bùi Tiến Dũng đã vung tay cho mượn. Hầu hết là xe mới, nhiều chiếc giá trị hàng tỷ đồng nhưng chỉ vài năm sử dụng đã hư hỏng và xuống cấp.

Trước những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại PMU 18, ông Tiến đã phải thừa nhận với cơ quan điều tra về trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, ông lý giải rằng, không chỉ ông ta mà những lãnh đạo chủ chốt khác của Bộ Giao thông vận tải cũng phải chịu trách nhiệm. Ðược biết, ông Tiến đã sử dụng một chiếc xe Mercedes nhưng do dư luận dị nghị cho nên đã chuyển sang dùng xe khác. Chiếc xe hiện thời ông Tiến đang sử dụng là Toyota Crowd 3.0, cũng là xe công của PMU 18, vượt quá tiêu chuẩn dành cho một thứ trưởng.

Dư luận cũng cho biết, ông Tiến có nhiều biệt thự, đất đai. Trước đó, cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc công ty cổ phần và truyền thông Nhã Nam, con rể Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, để làm rõ về một số tài sản liên quan trong vụ án. Ðiển hình là trang trại rộng 7 ha ở Chí Linh, Sao Ðỏ (Hải Dương) mà người đứng tên chủ sở hữu là Nguyễn Nhật Anh.

Cơ quan điều tra tiếp tục làm việc với ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Kế hoạch - Ðầu tư, Bộ Giao thông vận tải. Ông Viên tiếp tục phải giải trình về thông tin Bùi Tiến Dũng đã hối lộ ông 50 triệu đồng để giúp PMU 18 nhận được gói thầu quốc lộ 27 mà dự kiến giao cho tỉnh Ninh Thuận quản lý. Tuy nhiên, đến nay ông Viên vẫn chưa thừa nhận vụ việc trên.

Cơ quan điều tra cũng làm việc với ông Ðỗ Kim Quý, nguyên Phó Tổng giám đốc PMU 18 về nguồn gốc một số tài sản có liên quan trong vụ án.

Chuyên án 420 B đang bước vào giai đoạn "nóng nhất". Cơ quan điều tra tập trung cao độ để làm rõ nguồn gốc số tiền đánh bạc, số tiền hối lộ và tài sản bất minh của các đối tượng phạm tội, đối tượng liên quan trong vụ án...

Hôm nay 22-3, ông Nguyễn Việt Tiến tiếp tục phải làm việc với cơ quan điều tra.