Vì thủ đô bình yên
Các Website khác - 21/03/2006
Những đêm mưa tạnh, gió hòa, Hà Nội tối thứ bảy, chủ nhật đông vui tấp nập; khi gió bấc, mưa phùn rét buốt, mặt đường nhầy nhụa bùn đất, thì các con phố vắng tanh. Thế nhưng, những chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCÐ) Công an Hà Nội vẫn thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, giữ cho thủ đô bình yên.
Dọc tuyến đường dẫn vào sân vận động Mỹ Ðình (Hà Nội) vào các tối thứ bảy, chủ nhật tấp nập các quán cóc. Rất đông thanh niên trai gái tụ tập ngồi chơi hoặc nhậu nhẹt. Họ là sinh viên các trường đại học quanh khu vực Cầu Giấy, thanh niên lao động tự do các tỉnh, thanh niên ở Hà Nội, rồi lân cận là thanh niên Hà Tây, từ thị xã Hà Ðông phi thẳng xe máy đến.

Khu vực này đường rộng đẹp, sáng trưng đèn điện cao áp, cảnh quan thoáng đãng là nơi vui chơi cho đám thanh niên không kể đẳng cấp, giàu nghèo tụ tập về đây có lúc lên tới cả nghìn người. Họ cùng nhau nhâm nhi chén rượu "quốc lủi" với con mực nướng, vài quả ổi xanh. Sang hơn nữa là mấy vại bia "cỏ" (bia gia công) giá đôi nghìn, đĩa ốc luộc, dăm gói lạc rang đứng lên thanh toán hết một vài chục nghìn đồng. "Nhìn qua thì không khí nơi đây thật thanh bình, yên ả. Thế mà nhiều chuyện đã xảy ra, lực lượng CSCÐ liên tục phải tuần tra, giải quyết các vụ việc "- Ðó là lời Thượng tá Nguyễn Thanh Côi, Trung đoàn trưởng CSCÐ Công an Hà Nội.

Quả thật, sau những cuộc nhậu nhẹt, vui đùa ba hoa đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, đêm khuya một số thanh niên rủ nhau về. Số khác muốn tỏ ra "yêng hùng" tụ tập lại đua xe. Thế là có chuyện. Cả khu vực quanh sân vận động Mỹ Ðình ầm ĩ, náo loạn. Số thanh niên khác và sinh viên không có xe máy để đua thì đứng hai bên đường vỗ tay, hò reo cổ vũ. Dường như nắm quy luật các "tổ lái" hay đua vào thứ bảy, chủ nhật nên ngày thường tuần tra với số quân khiêm tốn, thì vào ngày nghỉ từ 17 giờ đến 23 giờ đêm, lưu lượng quân của Trung đoàn phải tăng thêm cả về phương tiện và chiến sĩ, mới mong dẹp và ngăn chặn được đoàn đua khi mới xuất phát. Còn nếu để xảy ra đua thì phải vất vả lắm mới giải tán được.

Mới đây thôi, chỉ trong một đêm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã bắt 37 xe máy gồm vài chục tay đua là thanh niên, sinh viên các trường đại học. Vậy các anh xử lý thế nào với số sinh viên tham gia đua xe? Thượng tá Nguyễn Thanh Côi trả lời: "Thường thì chúng tôi nhắc nhở nghiêm khắc rồi tha để các sinh viên này không tái phạm. Trường hợp mắc lỗi nặng như tổ chức đua, gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt một đến vài triệu đồng thì phải thông báo với các trường để có biện pháp giáo dục, quản lý". Vậy làm thế nào để Hà Nội không còn đua xe nữa?: "Khó lắm, bởi một số thanh niên thường hay quậy phá mà không lường hết hậu quả đã gây ra với xã hội. Theo tôi, có thể coi đua xe là loại tội phạm mới. Bởi các đối tượng đua thường làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng, đồng thời hủy hoại tài sản công dân lỡ bị chúng va quệt, đâm xe. Muốn dẹp đua xe, trách nhiệm không chỉ của công an mà toàn xã hội, trong đó gia đình và Ðoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng nhất về công tác quản lý, giáo dục".

Thật vậy, nếu các gia đình không để con em mình đi chơi đêm quá khuya, thậm chí đi qua đêm và Ðoàn thanh niên các quận, huyện, phường, nhà trường cùng T.Ư Ðoàn có những biện pháp giáo dục nhắc nhở hướng đoàn viên, thanh niên vào những hoạt động bổ ích. Sống có lý tưởng, chắc chắn sẽ bớt đi những hành động đua xe máy cuồng điên, rồ dại, bất chấp cả tính mạng của một bộ phận thanh niên.

Chuyện chống đua xe, mới chỉ là một phần nhỏ trong nhiều phần việc của Trung đoàn CSCÐ. Mỗi năm đơn vị phải bảo vệ an toàn hàng chục cuộc đón các đoàn khách nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Việt Nam, rồi các lễ hội, các ngày kỷ niệm, lễ Tết. Riêng năm 2005, cả Trung đoàn đã bắt 674 vụ, 1.106 đối tượng phạm pháp hình sự giao các đơn vị chức năng xử lý.

Công việc thường xuyên của các anh là tuần tra đêm trên các tuyến phố và ứng trực, để khi có lệnh là lên đường chi viện cho công an các quận, huyện, các phòng nghiệp vụ khi có việc đột xuất xảy ra. Công việc tuần tra đêm thật nhọc nhằn với các chiến sĩ của Trung đoàn. Không kể nắng mưa, giá rét, đêm nào cũng đều đặn diễn ra các phiên tuần tra. Dường như người dân thủ đô đã quen với mầu áo rằn ri và mầu xanh lá mạ của lính cơ động trên mỗi tuyến phố, mỗi con đường ở bất kỳ địa bàn nào trong thành phố. Mọi người cảm thấy yên lòng khi thấy bóng dáng các anh thấp thoáng trong đêm. Chỉ có kẻ gian là hoảng hốt, giật mình luôn tìm cách lẩn tránh.

Gần như phiên tuần tra nào lính cơ động cũng phát hiện nhiều vụ việc phạm pháp hình sự. Khi là các đối tượng cướp giật tài sản của người đi đường, lúc trộm nhà dân, trộm biển số, trộm xe máy mang đi tiêu thụ. Và không ít vụ các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng đêm khuya vắng người lẩn quất buôn bán ma túy. Những ngày đầu tháng 3 này, tổ công tác của Ðại đội 3 đã bắt quả tang bốn đối tượng đi trên hai xe máy vận chuyển hai bao tải toàn tiền USD, cùng năm viên hồng phiến. Ðêm khuya, trời tối, các chiến sĩ tưởng lầm là USD giả, chỉ khi đưa về công an phường gần nhất, mới phát hiện toàn tiền thật, tính ra trị giá cả vài tỷ đồng tiền Việt.

Qua điều tra của các đơn vị nghiệp vụ, các đối tượng này chuyển tiền đi mua hơn năm chục bánh heroin. Cũng trong đêm đi tuần tra các anh phát hiện nhiều vụ đối tượng trộm cắp xe máy trên đường mang đi tiêu thụ thì bị bắt. Ðã không ít lần các chiến sĩ của Trung đoàn được các đối tượng trộm cắp hối lộ hòng thoát thân. Năm 2005, có 56 tổ công tác gồm 224 lượt cán bộ chiến sĩ (CBCS) nêu gương liêm khiết không nhận tiền, đồ vật của người vi phạm hối lộ, tổng trị giá gần 18 triệu đồng, hai chỉ vàng, 122 USD, một điện thoại di động.

Mới đây, đối tượng Ðào Văn Ðiệp, Nguyễn Tiến Huy đều ở thành phố Hải Phòng, cùng một đối tượng khác trộm xe máy hiệu Jupiter biển số 29R8-7180 tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, đã thay biển số giả là 33M2-6510 trên đường mang đi tiêu thụ thì bị bắt. Bọn chúng đã hối lộ tổ công tác 1,5 triệu đồng hòng thoát thân, nhưng đã bị lập biên bản đưa về Công an phường Giảng Võ.

Các chiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lê Xuân Nhu, Trương Thành Ðức, Thạch Ðình Trung trong tổ công tác kể rằng: Khi tuần tra đến đường Giảng Võ thì thấy ba đối tượng đi trên một xe máy quay đầu xe bỏ chạy. Thấy có dấu hiệu khả nghi, các chiến sĩ lập tức đuổi theo. Một tên ngồi sau xe nhảy xuống chạy vào ngõ hẻm. Các chiến sĩ đuổi theo và dừng được chiếc xe máy này. Cả hai tên đều không có giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe. Ổ khóa của xe máy không có chìa khóa điện. Trong cốp xe có biển số thật của chính chiếc xe này là 29R8-7180.

Chúng tôi được nghe nhiều vụ việc khá nghiêm trọng do các tổ tuần tra của Trung đoàn phát hiện. Ðó là nhiều vụ việc các đối tượng mang vũ khí đi đâm chém, giết người cướp của, hoặc thanh toán mâu thuẫn giữa các băng ổ nhóm được các tổ tuần tra của Trung đoàn phát hiện bắt giữ kịp thời không để chúng kịp gây án. Ðã có vụ, tổ công tác của Ðại đội 7 gồm bốn người, do anh Phạm Châu Tuấn làm tổ trưởng đang tuần tra tại khu vực đường Bà Triệu - Tô Hiến Thành phát hiện hai xe máy bị che kín biển số, do sáu thanh niên chở nhau có nhiều dấu hiệu khả nghi. Tổ công tác đuổi theo dừng xe để kiểm tra. Lập tức có hai tên ngồi sau hai xe nhảy xuống. Một tên rút kiếm, một tên rút đao tấn công tổ công tác và bỏ chạy. Nhận thấy hành động côn đồ của các đối tượng có thể gây nguy hại cho các chiến sĩ và người đi đường, tổ công tác đã kiên quyết đuổi theo, đồng thời gọi bộ đàm để Trung đoàn điều thêm quân đến. Cũng lúc này các đối tượng gọi thêm khoảng mười đối tượng khác đến định bao vây chém các chiến sĩ. Nhờ có sự chi viện kịp thời của đơn vị, tổ công tác đã kịp thời rút súng thị uy, giải tán đám đông bắt giữ tên Dương Sơn Tùng thu giữ đao, kiếm. Ðây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc các đối tượng mang đao, kiếm đi gây án.

Theo thống kê của Trung đoàn, từ ngày 1-10-2005 đến tháng 2-2006, thực hiện kế hoạch tăng cường đấu tranh chống tội phạm và giữ gìn TTATXH trên địa bàn thủ đô. Trung đoàn đã huy động 6.874 CBCS làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện 102 vụ, 192 đối tượng tàng trữ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ giao công an các phường, quận, huyện xử lý thu hồi 125 dao, kiếm, đao các loại; cùng nhiều côn nhị khúc, lê AK, rìu, tuýp nước kim loại, súng hơi, lựu đạn mỏ vịt...

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thanh Côi tỏ ra rất bức xúc: "Việc mang vũ khí trong thành phố đã được cấm. Nhưng cũng lạ là không ít đối tượng không chỉ mang theo dao loại nhỏ, mà cả dao chọc tiết lợn và kiếm dài cả mét. Chúng giấu trong áo khoác mùa đông. Vậy nên, nếu không tuần tra, kiểm soát khó mà phát hiện". Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thanh Côi, đã đến lúc các cửa hàng sản xuất dao kéo cần phải được cấp giấy phép hành nghề. Không thể tồn tại tình trạng các đối tượng tự do đến đặt dao kéo, kiếm, đao dài quá khổ vẫn được các cửa hàng nhận làm.

LÊ PHƯƠNG HIÊN