Phá đường dây buôn ma túy và vũ khí quân dụng lớn
Các Website khác - 21/03/2006
Một số đối tượng trong đường dây.
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đang chuẩn bị hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án Trần Hữu Thủy, Nguyễn Văn Tiến cùng đồng bọn mua bán trái phép vũ khí quân dụng và ma túy lớn tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Hà Nội... Các bị can bị truy tố trong vụ án này đã buôn bán trái phép 68 khẩu súng ngắn, 82 viên đạn, 9 bánh heroin và hơn một tấn thuốc phiện.  
Điều đáng nói là trong số các bị can, có người vốn là bộ đội biên phòng, công an - những người chịu trách nhiệm thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật và nhiều đối tượng dù biết hành vi phạm tội của mình sẽ phải trả giá đắt nhưng vẫn lôi kéo cả gia đình, người thân cùng “nhúng chàm”.

Năm 2004, qua công tác điều tra cơ bản, các trinh sát thuộc Công an huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chú ý tên Trần Hữu Thủy, ở huyện Hàm Yên có biểu hiện bất minh về kinh tế. Dù chẳng làm ăn, buôn bán gì nhưng Thủy thường xuyên đi về, tay xách cặp số và thuộc dạng giàu có ở địa phương. Ngày 1-12-2004, cơ quan CSĐT công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp Cục CSĐT tội phạm ma túy Bộ Công an bắt quả tang Trần Hữu Thủy và Lại Trung Thông đang vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng tại Km số 9 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thu 4 khẩu súng ngắn K54 đã qua sử dụng.

Bước đầu, Trần Hữu Thủy, Lại Trung Thông khai nhận: sáng 1-12-2004, Thủy đến nhà Thông mua bốn khẩu súng ngắn, sau đó Thông đèo xe máy đưa Thủy ra bến xe Hà Đông để về Tuyên Quang thì bị bắt giữ. Khám xét khẩn cấp nhà Thủy, cơ quan công an còn phát hiện 8 khẩu súng K54, 50 viên đạn K54, 9 nòng súng ngắn và hai ốp súng ngắn bằng nhựa. Khám xét nhà Lại Trung Thông cũng phát hiện một súng K54, một hộp 32 viên đạn cùng một số phụ tùng của súng ngắn như lò so đẩy về, ốp tay súng, hộp tiếp đạn, búa đập súng.

Các bị can đã khai báo một số đối tượng liên quan đến việc mua bán ma túy lớn tại Điện Biên, Sơn La, Yên Bái về Hà Giang tiêu thụ và có liên quan đến một số cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Phó Bảng, huyện Đồng Văn và công an tỉnh Hà Giang. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án.

Khai thác đối tượng, các điều tra viên nhận định, rất có thể ngoài hành vi buôn bán vũ khí, những đối tượng này còn buôn bán cả ma túy. Trương Phát Hòa được bí mật đưa về Trại giam T16, Bộ Công an. Cách đây hơn mười năm, Hòa cùng nhiều người thân trong gia đình từng buôn bán ma túy. Dù đã rất ngoan cố vì nghĩ hành vi phạm tội đã lâu, chẳng còn manh mối gì nữa, nhưng cuối cùng con cáo già cũng đã phải mở miệng và một đường dây buôn bán vũ khí quân dụng và ma túy lớn có liên quan đến nhiều cán bộ của Bộ đội biên phòng và công an tỉnh Hà Giang đã dần hé lộ. Những đối tượng quan trọng trong đường dây lần lượt bị bắt giữ. Trong số đó có một số đối tượng như Nguyễn Văn Tiến, Phạm Văn Dương, Nguyễn Tiến Nuôi, Lý Hội Sèo, Phạm Thị Đức... nhiều lần trong nhiều năm mua bán với số lượng ma túy lớn.

Từ năm 1994, Nguyễn Văn Tiến, thường gọi là Tiến còi, tài xế của Công ty ôtô Hà Giang điện thoại về nhà Phạm Xuân Lộc ở phố Long Biên 1, quận Long Biên, Hà Nội, gặp con trai ông Lộc là Phạm Văn Tuấn bàn mua heroin kiếm lời, Tuấn đồng ý. Tên quý tử này còn lôi kéo cả bố đẻ vào con đường mua bán ma túy. Xong “đầu cầu Hà Nội”, Tiến lái xe lên thị trấn Phó Bảng, Đồng Văn, sát biên giới Việt - Trung gặp Trương Phát Hòa, Sùng Quang Phàn và một số người Trung Quốc bàn nhau góp vốn mua heroin về bán kiếm lời. Từ đó, Tuấn thì lo tìm nguồn mua hàng, và đã tìm được một “đại lý” ma túy lớn đất Hà thành là Giang Văn Hiển, ở ngõ Hòa Bình, Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội (đã bị tuyên án tử trong một đường dây ma túy, chạy án khác) mua ma túy về bán cho số đối tượng trên. Chuyến đầu tiên, cả bọn đã “ôm” luôn sáu bánh. Ngoài ra, chúng còn tìm đến các ông trùm ma túy khác như Nguyễn Văn Tám ở Điện Biên (đã bị tử hình năm 2000)... Cứ như thế, Tiến còi lấy việc chở hàng hóa từ thị xã Hà Giang lên thị trấn Phó Bảng làm bình phong cho những chuyến vận chuyển ma túy. Tiến cất giấu ma túy trong hàng hóa, thậm chí còn “thửa” riêng một bình xăng có hai ngăn, một đựng xăng, một giấu ma túy.

Quá trình buôn bán ma túy, Tiến còn lôi kéo nhiều người làm phụ xe cho Ty vào con đường phạm tội như Phạm Văn Phương, Nguyễn Quốc Trị. Đã có vợ con, Tiến vẫn có những mối quan hệ rất phức tạp với nhiều phụ nữ, và cả những bồ bịch của Tiến cũng “được” y rủ rê mua bán ma túy như Trần Thị Phấn, Pờ Thị Hòa. Chính Trần Thị Phấn cũng đã lĩnh án tử hình về tội này, nhưng sau đó được Chủ tịch nước ân giảm xuống chung thân.


Một số đối tượng
trong đường dây.

Trương Phát Hòa thì lại có một gia đình “thâm niên” trong nghề buôn ma túy và là một đầu mối tiêu thụ ma túy lớn ở vùng cao Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Mẹ đẻ y là Lý Hội Sèo vốn là một trùm ma túy hoạt động đã nhiều năm. Chồng Lý Hội Sèo cũng từng lĩnh án vì buôn bán ma túy. Trong vụ án này, ngoài hai người cậu ruột là Lý Hội Trừ, Lý Hội Hùng (người Trung Quốc) đã chết nên không bị truy tố, cả mẹ đẻ, vợ y là Lý Thị Sình cùng em rể là Phạm Văn Dương đều lần lượt tra tay vào còng vì cả tội buôn bán ma túy lẫn buôn vũ khí quân dụng.

Từ đầu năm 1994, tên Dương đã thoát án tử vì buôn bán 227kg thuốc phiện, trong khi gã đồng bọn là Phạm Văn Quang phải lãnh án tử. May mắn thoát chết trong gang tấc, Dương trốn sang Trung Quốc. Hơn 4 năm sau, y mò về thay tên đổi họ, ung dung cùng vợ con chuyển về phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội sống, những tưởng quá khứ sẽ “ngủ yên”. Thậm chí, tới năm 2001, khi bị lãnh 20 tháng tù giam do TAND quận Đống Đa, Hà Nội tuyên phạt tội sử dụng trái phép chất ma túy, Dương vẫn giữ được vỏ bọc của mình dưới cái tên Trần Văn Đạt.

Hơn 10 năm sau, khi bị bắt, Dương hoàn toàn bất ngờ, không thể tin nổi hành vi phạm tội quá lâu, tên đồng phạm đã bị thi hành án tử hình không còn chút manh mối gì lại có thể bị khui ra ánh sáng. Trong đường dây buôn bán ma túy, vũ khí quân dụng này còn có gần như đủ mặt Ban chỉ huy và không ít cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Phó Bảng, tỉnh Hà Giang cùng một số cán bộ công an tỉnh Hà Giang. Đầu năm 1992, ngay tại Đồn, Ban chỉ huy gồm Lâm Quốc Ngữ, Nguyễn Tiến Nuôi, Trịnh Xuân Sơn, Bùi Xuân Lâm còn có một “buổi họp”, nội dung là bàn nhau góp tiền được hơn 10 triệu đồng đi mua thuốc phiện bán kiếm lời. Sau đó, cả Ban chỉ huy đã chia nhau số tiền lãi là 5,3 triệu đồng.

Cũng vì “làm ăn” với những người thực thi pháp luật nên khi buôn ma túy, những đối tượng này cũng có cách “chơi đểu” bạn hàng riêng. Cuối năm 1997, Đình là cán bộ hải quan Phó Bảng bán cho Trương Phát Hòa 1,7kg thuốc phiện. Nhưng chưa nhận được tiền, Đình đã bị bạn hàng bàn với đồng bọn là Nông Mạnh Tuân, cán bộ Đồn biên phòng Phó Bảng thu giữ thuốc phiện để ăn chặn, cuối cùng phải “dọa chém”, Đình mới được bạn hàng trả cho 5 triệu đồng...

Hiện nay, cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy tố đối với 58 đối tượng trong đường dây và đang hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện KSND tối cao để đưa vụ án ra xét xử trong một ngày gần đây.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh