Những công trình không phát huy hiệu quả ở Đơn Dương, Lâm Đồng
Các Website khác - 21/03/2006
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã dành một khoản kinh phí không nhỏ đầu tư nhiều công trình tại Đơn Dương với mục đích góp phần cải thiện đời sống dân sinh ở vùng quê này. Tuy nhiên, do những bất cập và yếu kém trong công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế, quản lý đầu tư, xây dựng nên nhiều công trình không mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi, đã gây nên sự lãng phí lớn…
Một công trình xây dựng phục vụ dân sinh mang nhiều “tai tiếng” nhất trong nhiều năm qua ở huyện Đơn Dương là chợ trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ. Với mong muốn tạo ra ở đây một khu thương mại lớn nhất trên địa bàn huyện, trong đề án quy hoạch thị trấn từ năm 1988-2000, huyện Đơn Dương coi chợ Thạnh Mỹ là một công trình trọng điểm. Chợ được xây dựng với nguồn kinh phí đầu tư hơn 700 triệu đồng, theo thời giá 1994. Thế nhưng, thật đáng buồn, ngôi chợ có quy mô khá lớn mà người dân địa phương quen gọi là “chợ Bến Thành thu nhỏ” nằm trên mặt tiền quốc lộ 27 này gần như bị bỏ hoang ngay từ lúc mới đưa vào sử dụng chưa quá hai tháng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đây là một ngôi chợ lớn nhưng không hề được thiết kế hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước và một hạng mục tối thiểu nhất là khu vệ sinh cũng không được xây dựng. Vì lẽ đó, các hộ kinh doanh, sau khi được quy hoạch tập trung vào chợ đã không thể nào chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc của các loại thực phẩm tươi sống trong một khu vực có kiến trúc quá bịt bùng. Do vậy, các quầy hàng đã tràn cả ra ngoài. Chợ chỉ có thể bán các mặt hàng tạp hóa khô nhưng cũng do khôn gian quá tù túng nên bà con ngại vào và thế là chợ đành phải…bỏ hoang.

Bất đắc dĩ, năm 2000, huyện Đơn Dương đã phải bỏ thêm 120 triệu đồng để nâng cấp chợ Thạnh Mỹ nhưng vì nguồn vốn bổ sung này quá nhỏ so với những bất cập về thiết kế của công trình nên bây giờ tình hình vẫn chưa cải thiện được. Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, ông Lê Quang Hưng cho hay, năm 2006, chính quyền địa phương đã hoàn thành đề án quy hoạch lại khu chợ với tổng nguồn vốn lên tới 6,4 tỷ đồng, trong đó 2,4 tỷ do nhân dân đóng góp. Được biết, nếu triển khai đề án này thì công trình chợ Thạnh Mỹ hiện nay sẽ bị đập bỏ hoàn toàn. Thật là một sự lãng phí hết sức phi lý!...

Gần với chợ Thạnh Mỹ, một công trình khác được đầu tư xây dựng trên địa bàn này với nguồn vốn 500 triệu đồng là lò giết mổ gia súc cũng đã bị bỏ hoang hơn bốn năm kể từ ngày xây xong vào năm 2001. Lý do là những người đầu tư xây dựng đã quá tắc trách trong quá trình thiết kế và thi công, dẫn đến những bất cập như: hê thống thoát nước không phát huy tác dụng, không có hầm chứa phế thải từ việc giết mổ gia súc…Đầu năm 2006, huyện Đơn Dương đã phải tiếp tục bổ sung thêm 60 triệu đồng để khắc phục những thiếu sót nói trên mới có thể đưa công trình đi vào hoạt động sau bốn năm bỏ phí, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu giết mổ gia súc tập trung tại địa phương…

Trong những tháng cuối năm 2005 và đầu năm 2006, dư luận nhân dân huyện Đơn Dương tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng một công trình dự kiến cấp nước cho 15 ngàn hộ dân với tổng nguồn vốn dự toán hơn 11 tỷ đồng đang bị dang dở. Đặc biệt, vì nóng vội, đơn vị chủ đầu tư là Công ty cấp nước Lâm Đồng đã lắp đặt hơn 3km đường ống dẫn nước dọc quốc lộ 27 rồi “im hơi lặng tiếng” luôn. Trưởng phòng hạ tầng cơ sở huyện Đơn Dương, ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng: Việc làm vội vàng nói trên đã được chủ đầu tư tiến hành khi mà các thủ tục vẫn chưa được hoàn tất. Được biết, đến tháng 3-2006, các thủ tục đầu tư công trình cấp nước thị trấn Thạnh Mỹ vẫn chưa hoàn thiện nhưng đầu năm 2005, Công ty cấp nước Lâm Đồng đã lắp đặt tuyến ống dẫn nói trên và lắp đặt khi mà nguồn nước cung cấp cho hệ thống này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Vậy nên, đến bây giờ công trình xây dựng hệ thống cấp nước này vẫn chỉ tồn tại ở 3km đường ống “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Không biết rồi đây số phận của nó sẽ đi về đâu?!...

Cũng là chuyện công trình cấp nước, huyện Đơn Dương đã từng có một bài học đắt giá. Nằm trong chương trình đưa nước sạch về nông thôn, hai công trình nước sạch ở xã Ka Đơn và Tu Tra với tổng nguồn vốn đầu tư gần 3,1 tỷ đồng, trong đó đóng góp của nhân dân là 915 triệu đồng, chỉ sau hai tháng đưa vào sử dụng đã gần như tê liệt. Công trình nước sạch xã Ka Đơn được thiết kế theo nguyên lý tự chảy với số vốn đầu tư 630 triệu đồng được xây dựng và hoàn thành trong năm 1999.

Hơn 3.225 nhân khẩu, 549 hộ ở ba thôn của xã Ka Đơn đã thoả mơ ước về nguồn nước sạch, nhưng hiện thực tốt đẹp ấy chỉ duy trì được chưa quá ba tháng. Nguyên nhân chính là do người dân quá vất vả khi phải đi đến các trụ vòi lấy nước. Theo thiết kế, có tất cả 38 trụ vòi, bình quân 15 hộ chung nhau một trụ, có hộ cách xa trụ vòi nước tới cả cây số. Vì vậy, một thời gian ngắn, chỉ còn lại 1-2 hộ nhà sát trụ vòi là còn hứng thú dùng nước sạch, còn lại đành chấp nhận sử dụng nước giếng đào, tuy không sạch nhưng đỡ phải đi xa. Thế rồi, không mấy lâu sau, công trình hàng trăm triệu đồng ấy dần dần biến thành phế tích khi hàng trăm mét đường ống bị kẻ gian lấy cắp.

Ở công trình nước sạch cung cấp cho 900 hộ dân của xã Tu Tra cũng có chung tình trạng như vậy. Hơn 2,4 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống bể lọc, bể lắng và 32km đường ống ở đây được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2001 nhưng chưa đầy ba tháng sau thì tiền tỷ cũng trôi theo niềm vui ban đầu vì nguồn nước cạn kiệt, nhất là trong mùa khô. Lý giải về sự xuống cấp đến mức hoàn toàn tê liệt của hệ thống nước sạch này, có những ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Nhất Ninh – Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt Lâm Đồng, cho rằng: Do thời gian đầu có nước, người dân không có ý thức tiết kiệm nên xả nước suốt ngày với lưu lượng 12lít/giây khiến cho nguồn nước bị cạn kiệt.

Còn ông Phạm Quang Bửu – cán bộ Phòng Nông nghiệp - địa chính huyện Đơn Dương thì lại có cách lý giải khác. Theo ông Bửu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công trình được xây dựng trong một khu vực điều phối nước của một công trình thuỷ lợi đã được xây dựng trước đó là hồ chứa nước R’Lơm có công suất tưới cho 80ha. Vì thế, việc điều phối nước phục vụ canh tác đã khiến cho nguồn nước sinh hoạt bị tiêu giảm mạnh. Được biết, trong thời gian tới, Trung tâm nước sinh hoạt Lâm Đồng sẽ bổ sung hàng chục triệu đồng để tu sửa, khắc phục những hư hỏng và thay đổi phương thức cấp nước ở các công trình nước sạch ở Tu Tra và Ka Đơn. Nhưng, bài học về sự tắc trách trong khâu khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý các công trình dẫn đến những hậu quả nói trên thì thật khó khắc phục.

Có lẽ, không thể nói khác được là, nguyên nhân dẫn tới một số công trình dân sinh không phát huy hiệu quả mà chúng tôi điểm ra trên đây ở huyện Đơn Dương là do sự bất cập, yếu kém trong công tác quản lý, quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng và huyện Đơn Dương. Hàng tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân đổ vào các công trình, thật xót xa khi nhìn cảnh nó hoang phế ngay từ khi “chào đời”. Trách nhiệm thuộc về ai? Có lẽ, tỉnh Lâm Đồng cần phải làm rõ và có phương án xử lý kịp thời.

UÔNG THÁI BIỂU