Về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
Các Website khác - 21/03/2006
Hỏi: Đề nghị cho biết người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không? Hiệu lực của giấy chứng nhận?
Trả lời: Theo Điều 9, Điều 10 Luật Nhà ở, tổ chức, cá nhân trong nước (không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú), người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCN QSHNƠ).

Đối với người sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài, Điều 125 quy định: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê tại Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN QSH đối với nhà ở đó. Thời hạn được sở hữu nhà ở là thời hạn quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, sau khi hoàn thành việc xây dựng theo dự án, chủ đầu tư được quyền bán nhà thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (như đã nêu trên). Người mua nhà được cơ quan có thẩm quyền cấp GCN QSHNƠ.

Theo Điều 126, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện nêu trên đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.

GCN QSHNƠ không còn hiệu lực trong các trường hợp sau:

- Nhà ở bị tiêu hủy hoặc bị phá dỡ.

- Nhà ở bị tịch thu hoặc trưng mua theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Nhà ở được xây dựng trên đất thuê đã hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn thuê tiếp hoặc không được chuyển sang hình thức giao đất để sử dụng ổn định lâu dài.

- Nhà ở đã được cấp GCN QSHNƠ nhưng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi do cấp không đúng thẩm quyền, người được cấp GCN không đúng đối tượng, nhà ở được ghi trong GCN không đúng với hiện trạng khi cấp giấy hoặc nhà ở xây dựng trong khu vực đã bị cấm xây dựng nhà ở.

- Nhà ở có GCN QSHNƠ nhưng đã được cấp lại, cấp đổi GCN QSHNƠ khác.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp GCN QSHNƠ cho tổ chức; GCN QSHNƠ chung cho tổ chức và cá nhân. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền cấp GCN QSHNƠ cho cá nhân.

------------------------

Những trường hợp yêu cầu kháng nghị bản án phúc thẩm?

Hỏi: Tôi là bị đơn trong một vụ kiện dân sự, vụ việc đã được xét xử phúc thẩm rồi nhưng tôi không đồng ý với bản án này. Xin hỏi những trường hợp nào được tòa án xem xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Tôi phải nộp đơn ở đâu?

Trả lời: Đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (trong đó có bản án phúc thẩm) thì sẽ được xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm khi có kháng nghị của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chứ không phải theo yêu cầu của nguyên đơn hay bị đơn.

1. Những người có thẩm quyền kháng nghị:

- Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị đối với các bản án của tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị đối với tất cả bản án của tòa án nhân dân các cấp.

2. Bản án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện những căn cứ sau đây (điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự):

- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Nếu bà nhận thấy bản án phúc thẩm đã xét xử về vụ việc của bà có một trong những căn cứ nêu trên thì trong thời hạn ba năm kể từ ngày tòa phúc thẩm tuyên án, bà có thể viết đơn khiếu nại để yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm.

Trường hợp của bà là bản án phúc thẩm nên đơn khiếu nại được gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

------------------------

Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên
xác lập và thực hiện

Hỏi: Xin giải thích giùm giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên xác lập và thực hiện thì xử lý như thế nào?

Trả lời: Giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng của cá nhân, pháp nhân và của các chủ thể khác nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi tuân theo các điều kiện nhất định, nếu vi phạm các điều kiện này, nó sẽ là giao dịch dân sự vô hiệu. Một trong những điều kiện đó là người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự.

Người chưa thành niên nói chung, trẻ em nói riêng là những người chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý nên không thể tự mình quyết định những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy, các em không thể tự mình ký kết và thực hiện các giao dịch có giá trị kinh tế lớn (mua bán nhà ở, ký kết hợp đồng kinh tế...) mà phải do người đại diện thực hiện trừ một số giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Nếu người chưa thành niên xác lập và thực hiện một giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó (có thể là bố, mẹ, người đỡ đầu hoặc người giám hộ), Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu.

Bên đã biết người thực hiện giao dịch với mình là người chưa thành niên mà vẫn giao dịch thì phải bồi thường thiệt hại cho người chưa thành niên theo yêu cầu của người đại diện của họ.

------------------------

Ý nghĩa của việc giám hộ người chưa thành niên

Hỏi: Tôi được biết Luật Hôn nhân và Gia đình và một số bộ luật khác có rất nhiều quy định về giám hộ. Xin hỏi ý nghĩa của việc giám hộ? Quyền và trách nhiệm của người giám hộ theo pháp luật Hôn nhân và gia đình?

Trả lời: Việc giám hộ chỉ đặt ra đối với đứa trẻ dưới 18 tuổi bị mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện để chăm lo, giáo dục và bảo vệ quyền lợi cho con... Cha mẹ có quyền đề cử người mà họ tin tưởng về tư cách đạo đức để làm người giám hộ cho đứa trẻ. Việc giám hộ nhằm trợ giúp về mặt đời sống, sinh hoạt và đặc biệt về mặt pháp lý cho một người chưa đủ khả năng tự lập.

Người giám hộ thường là người có đủ các điều kiện xã hội cho phép nhận trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi và bảo đảm cuộc sống, bảo đảm sự phát triển bình thường của người vị thành niên. Do đó, người đỡ đầu phải là người đủ 18 tuổi trở lên (theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005), có tư cách đạo đức tốt và có điều kiện thực tế để làm người đỡ đầu, nếu người đó thấy mình không còn đủ điều kiện làm người đỡ đầu thì có thể yêu cầu cử người thay. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người giám hộ (có thể là công dân hoặc tổ chức) có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ;

- Quản lý tài sản của người được giám hộ;

- Đại diện cho người được giám hộ trước pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ.

Tổng hợp