Kiểm tra việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài
Các Website khác - 26/01/2006
Giáo viên dạy tiếng Anh tại
lớp tiếng Anh báo chí của TTXVN.
Trong năm 2006, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn TP sử dụng lao động là người nước ngoài.
"Năm 2005, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành chức năng Lao động - Thương binh và Xã hội và công an, tiến độ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh làm việc tăng gấp ba lần so với trước đây. Mặt khác do quy định không có giấy phép lao động thì không được gia hạn visa, nên nhiều lao động nước ngoài đã chủ động đăng ký cấp giấy phép lao động hơn” - Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Lao động nước ngoài thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết như vậy.

Trong năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra 647 hồ sơ và đã làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho 816 người nước ngoài, nâng tổng số giấy phép đã cấp cho lao động nước ngoài lên 3.753 giấy phép. Trong số này, có 547 giấy phép lao động cấp cho người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép cho lao động là người nước ngoài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập huấn các quy định về cấp giấy phép lao động cho trên 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp chấp hành tốt việc đăng ký cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Bà Thanh Mai khẳng định rằng nếu chủ sử dụng lao động thông hiểu quy định này và nghiêm túc chấp hành thì việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài không có gì khó khăn, vướng mắc. Trước khi tiếp nhận lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc, họ đã hướng dẫn chi tiết về việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người lao động. Vì thế khi đến Việt Nam người lao động không gặp trở ngại như thiếu hồ sơ, giấy tờ liên quan cần thiết.

Như thế, không có chuyện bị động hoặc đổ thừa cho “rào cản” thủ tục rườm rà, vướng mắc. Thực tế cho thấy các cơ sở giáo dục của Nhật Bản đều làm tốt việc đăng ký cấp giấy phép cho người nước ngoài. Riêng Trường Đại học RMIT, 100% lao động là người nước ngoài đều được cấp giấy phép lao động.

Hiện các cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là nơi sử dụng nhiều lao động nước ngoài làm việc nhất nhưng tỷ lệ đăng ký cấp giấy phép lao động lại thấp nhất. Do không kiểm tra và không qua đăng ký cấp giấy phép lao động nên có nhiều lao động là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, tay nghề. Có trường hợp nhân thân không tốt, có hành vi vi phạm pháp luật...

Theo Sài Gòn giải phóng