Hà Nội giải trình về ba văn bản "trái pháp luật"
Các Website khác - 25/01/2006
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý đối với các văn bản trái pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Hà Nội có ba văn bản phải giải trình gồm: Quyết định số 26-2003/QĐ-UB, Quyết định số 167/2003/QĐ-UB và Quyết định số 02/2005/QĐ-UB.
Trung tuần tháng 12-2005, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Tư pháp "quyết định việc xử lý đối với các văn bản trái pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1-3-2006". Hà Nội có ba văn bản là: Quyết định số 26/2003/QĐ-UB (QĐ 26) do UBND thành phố ban hành ngày 30-1-2003 về việc quy định hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn; Quyết định số 167/2003/QĐ-UB ngày 3-12-2003 (QĐ 167) của UBND thành phố về việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung quy định hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn; Quyết định số 02/2005/QĐ-UB (QĐ 02) ngày 10-1-2005 của UBND thành phố ban hành quy định về việc thực hiện các biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.

Quy định "tạm giữ phương tiện từ 15 đến 60 ngày"

Điều 3 của QĐ 26 quy định hình thức xử lý đối với các phương tiện giao thông vi phạm Luật giao thông đường bộ và các quy định tại QĐ 26, trong đó: ô-tô, mô-tô, xe máy bị tạm giữ phương tiện từ 15 đến 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm; đối với xe thô sơ, xe xích-lô thì tịch thu. Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) thì nội dung quy định áp dụng biện pháp xử phạt này không phù hợp với các quy định của pháp luật sau khi đối chiếu với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Nghị định số 15/2003, Nghị định số 39/2001 của Chính phủ. Thí dụ như: Khoản 3, Điều 57 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có "giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ cần thiết khác có liên quan" thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm (mà không có quy định được phép "tịch thu").

UBND thành phố Hà Nội đã dẫn giải về tình trạng gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đô thị trong vài năm trở lại đây đòi hỏi thành phố cấp thiết phải đưa ra "các giải pháp trước mắt và cơ bản để khắc phục tình trạng này". Qua nghiên cứu Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, UBND thành phố vận dụng một số quy định trong Pháp lệnh vào thực tiễn quản lý Nhà nước tại địa phương (do những nội dung này không được cụ thể hóa trong Nghị định 39).

Đơn cử như việc tạm giữ phương tiện vi phạm: Điểm b, Khoản 1, Điều 43 quy định "Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính". Tiếp đó, Khoản 5, Điều 46 có nêu rõ: "Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ".

Ông Đặng Văn Khanh, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định: "Khi vận dụng các quy định này trong thực tiễn quản lý Nhà nước tại địa phương, thành phố Hà Nội không có ý định tạm giữ toàn bộ các phương tiện vi phạm (do không đủ bãi chứa cũng như nhân lực để quản lý, bảo quản) mà muốn sử dụng quy định này như một công cụ để răn đe, giáo dục người vi phạm, đồng thời hạn chế mọi tiêu cực có thể phát sinh. Ngày 15-12, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2005/NĐ-CP có quy định tạm giữ các phương tiện vi phạm (với thời hạn tạm giữ tối đa là 30 ngày). Với văn bản hướng dẫn này, thời hạn tối đa tạm giữ xe sẽ thực hiện là 30 ngày".

Quy định "tịch thu phương tiện giao thông"

Trong báo cáo giải trình của UBND thành phố Hà Nội gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã dẫn chứng thực tế các vi phạm trật tự an toàn giao thông ở Thủ đô trong thời gian qua cho thấy, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 39 là quá nhẹ, thiếu tính răn đe (mức xử phạt của Nghị định 39 thấp là do phải cân đối tình hình chung trong cả nước). Qua khảo sát và nghiên cứu tâm lý chung, có một tình trạng đáng báo động là tâm lý coi thường pháp luật, sẵn sàng nộp tiền phạt để tiếp tục vi phạm.

Thực trạng trên cho thấy, hình thức xử phạt tiền không những không phát huy tác dụng mà thậm chí còn có thể có tác động tiêu cực. Do vậy, thành phố Hà Nội cho rằng cần thiết phải tìm ra những giải pháp khác, ngoài những biện pháp đã quy định trong Nghị định 39. Trong đó có hình thức "xử lý tịch thu, bán đấu giá xung công" (quy định tại QĐ 167) bị xác định là "địa phương quy định áp dụng biện pháp xử phạt (tịch thu) không phù hợp với quy định của pháp luật".

Về điểm này, thành phố Hà Nội giải thích đã áp dụng Điểm b, Khoản 2, Điều 12 của Pháp lệnh quy định: ngoài hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: "tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính".

Đồng thời, Khoản 4, Điều 51 cũng có quy định: đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết mà không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu để bán đấu giá.

Về việc "địa phương tự quy định hình thức và mức xử phạt"

Quyết định cuối cùng bị xác định "trái pháp luật" là QĐ 02 có nội dung: "Đối với hành vi vi phạm được quy định trong nhiều văn bản khác nhau thì việc xử lý được thực hiện theo các quy định có mức xử phạt cao nhất là không phù hợp với quy định của pháp luật".

UBND thành phố Hà Nội đã dẫn chứng việc xử phạt cùng một hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực vệ sinh môi trường trong hoạt động xây dựng được quy định trong nhiều Nghị định khác nhau, nên việc quy định cụ thể để người thừa hành có thể lựa chọn từng mức xử phạt sẽ khiến văn bản rất cồng kềnh. Vì vậy, thành phố chủ trương đề ra nguyên tắc: Đối với một hành vi vi phạm có các mức xử phạt khác nhau do được quy định trong các Nghị định khác nhau thì áp dụng quy định của Nghị định nào có mức xử phạt cao hơn. Quy định này hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính (lấy mức trung bình của khung, có tính đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ).

Trên cơ sở đó và cùng với bối cảnh, điều kiện quản lý thực tế, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng và ban hành mới hai QĐ số 240/2005 và 241/2005 (thay thế ba QĐ nói trên) để cùng các địa phương khác trên cả nước tổ chức thực hiện một cách thống nhất theo quy định chung của Nghị định số 152/2005 (thay thế hai Nghị định số 15/2003 và số 39/2001).

Theo Tin tức