Mức lương tối thiểu của lao động Việt Nam tại doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài
Các Website khác - 25/01/2006
Hỏi: Đề nghị cho biết người lao động Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có hưởng mức lương tối thiểu chung không?
Trả lời: Theo Nghị định số 03/2006/NĐ-CP ngày 6-1-2006 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam, mức lương tối thiểu để trả công đối với lao động là người Việt Nam làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam như sau:

- Mức 870.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

- Mức 790.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

- Mức 710.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.

Mức lương tối thiểu nêu trên được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương; tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền đã được pháp luật lao động quy định.

Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.

Quy định về mức lương tối thiểu nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2006.

Tội trốn thuế: Khi nào bị khởi tố?

Hỏi: "Cháu tôi đang bị kết án về tội trốn thuế mức với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng theo Bộ luật Hình sự 1999 quy định nếu chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị khởi tố. Theo tôi hiểu cháu tôi mới bị lần đầu, chưa phạm lần hai thì không thể khởi tố?

Cải tạo không giam giữ đến hai năm thì người bị cải tạo có những quyền lợi gì trong hai năm đó? Sau hai năm được hưởng chế độ gì?"

Trả lời:

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 161Bộ luật Hình sự 1999 thì mặt khách quan của tội trốn thuế là tội phạm cấu thành nếu số tiền trốn thuế thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

- Từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.

- Dưới 50 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này chưa được xoá án tích.

Như vậy, cháu ông trốn thuế lần đầu với mức tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng thì bị khởi tố về tội trốn thuế là có cơ sở.

2. Trong thời gian chấp hành hình phạt, người kết án cải tạo không giam giữ có các quyền theo quy định tại Điều 31. Điều 73 Bộ luật Hình sự và Điều 4, Điều 5 Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30-10-2000 của Chính phủ, như: Người bị kết án là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ phù hợp với công việc mà mình đảm nhiệm; có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực nơi mình làm việc hoặc cư trú xem xét việc giảm thời gian chấp hành hình phạt khi đã chấp hành được một phần ba thời hạn cải tạo không giam giữ và có nhiều tiến bộ hoặc lập công, quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Sau khi chấp hành xong hình phạt một năm, người bị kết án cải tạo không giam giữ đương nhiên được xoá án tích theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Bộ luật Hình sự. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận.

Chế độ trợ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ

Hỏi: Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ được hưởng chế độ trợ cấp như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Mục V của Thông tư liên tịch số 46/2005/TTLT-BTC-BTĐTB&XH-BKH&ĐT ngày 20-4-2005 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 2-11-2004 quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ thì chế độ trợ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ được áp dụng như sau:

- Đối với dân quân: Được trợ cấp ngày công lao động theo mức độ do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 0,04 so với lương tối thiểu, nếu làm nhiệm vụ vào ban đêm từ 22h đến 06h sáng thì được tính gấp đôi; khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú không có điều kiện đi về hằng ngày thì được cơ quan quân sự cấp ra quy định huy động bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc tiền tàu xe một lần đi, về; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND cấp tỉnh quy định; cán bộ, chiến sĩ dân quân trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền làm các công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ áp dụng theo quy định của pháp luật.

- Đối với tự vệ: Cán bộ, chiến sĩ tự vệ trong thời gian huấn luyện và làm nhiệm vụ tại khoản 1, 2 và 3 Điều 7 Pháp lệnh Dân quân tự vệ được cơ quan, tổ chức nơi cán bộ chiến sĩ tự vệ làm việc trả nguyên lương và các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, bồi dưỡng độc hại theo chế độ hiện hành.

- Dân quân tự vệ thuộc lao động rộng rãi được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch họa nếu vượt quá thời gian thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hằng năm thì số thời gian vượt trội được trợ cấp ngày công lao động.

- Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đang làm việc theo hợp đồng lao động tại cơ quan, tổ chức trong thời gian tập trung huấn luyện, làm nhiệm vụ quân sự được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp việc làm cho dân quân tự vệ theo hợp đồng đã giao kết.

Hợp đồng lao động với trẻ em có gì khác so với hợp đồng lao động với người đã thành niên

Hỏi: Trong trường hợp phải ký kết hợp đồng lao động với người chưa thành niên thì hợp đồng lao động này có gì khác so với hợp đồng lao động với người đã thành niên?

Trả lời: Do người lao động là người chưa thành niên nên hợp đồng lao động này có một số điểm khác với những hợp đồng lao động ký kết với các đối tượng khác.

- Về công việc, hai bên không được thỏa thuận làm những công việc mà pháp luật cấm sử dụng lao động chưa thành niên, đó là những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của lao động chưa thành niên. Đối với người dưới 15 tuổi thì hai bên chỉ được thỏa thuận làm những việc mà pháp luật cho phép theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- Về thời giờ làm việc, hai bên không được thỏa thuận thời gian làm việc quá 07 giờ mỗi ngày hoặc 42 giờ mỗi tuần; không được sử dụng lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc ban đêm ở những ngành nghề ngoài danh mục pháp luật cho phép; việc thỏa thuận tiền lương phải bảo đảm trả công tương xứng với công sức các em bỏ ra...

Ngoài ra, hợp đồng này cũng phải ghi rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc quan tâm, chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Tổng hợp