Trả lời: NĐ số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định như sau:
Khi cá nhân có yêu cầu điều chỉnh nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch căn cứ vào bản chính giấy khai sinh để điều chỉnh những nội dung đó cho phù hợp với nội dung tương ứng trong bản chính giấy khai sinh.
Nếu việc điều chỉnh nội dung của sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch khác không liên quan đến nội dung khai sinh, thì UBND cấp xã căn cứ vào những giấy tờ có liên quan do đương sự xuất trình để điều chỉnh.
Trong trường hợp việc đăng ký hộ tịch trước đây do UBND cấp xã thực hiện, nhưng sổ hộ tịch chỉ còn lưu tại UBND cấp huyện, thì UBND cấp huyện thực hiện việc điều chỉnh.
Việc điều chỉnh hộ tịch được giải quyết ngay sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ. Cột ghi chú của sổ đăng ký hộ tịch và mặt sau của bản chính giấy tờ hộ tịch phải ghi rõ nội dung điều chỉnh; căn cứ điều chỉnh; họ, tên, chữ ký của người ghi điều chỉnh; ngày, tháng, năm điều chỉnh. Cán bộ tư pháp hộ tịch đóng dấu vào phần đã điều chỉnh.
Sau khi việc điều chỉnh hộ tịch đã được ghi vào sổ hộ tịch, thì bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch sẽ ghi theo nội dung đã điều chỉnh.
------------------------
Bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự
Hỏi: Trong trường hợp nào những người bị bắt, giam giữ hoặc kết án oan sai được cơ quan thẩm quyền bồi thường thiệt hại ?
Trả lời: Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC ngày 25-3-2004 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của UBTV Quốc hội khóa 11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, các trường hợp sau, người bị oan sai được bồi thường thiệt hại:
- Người bị tạm giữ nhưng không thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) nào và có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự (gọi chung là cơ quan thẩm quyền) hủy bỏ quyết định tạm giữ.
- Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan thẩm quyền hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, nếu trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự không bị tạm giữ, không bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan thẩm quyền xác định họ không thực hiện hành vi phạm tội.
Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Người bị oan sai được khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, bồi thường thiệt hại về vật chất khi bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng.
Trường hợp những người kể trên có tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu thì phải được trả lại ngay. Nếu tài sản đã bị phát mại, bị mất, hư hỏng hoặc hủy hoại thì thiệt hại được xác định tương đương với giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểm giải quyết bồi thường. Nếu thiệt hại phát sinh từ việc chủ sở hữu không được sử dụng, khai thác tài sản thì mức bồi thường được xác định trên cơ sở thiệt hại thực tế.
------------------------ Ai là người thừa kế di sản của bà nội cháu?
Hỏi: Bà nội cháu đã mất nhưng không để lại di chúc. Ai sẽ là người thừa kế trong trường hợp này?
Trả lời: Điều cháu hỏi liên quan đến nhiều quy định về thừa kế trên cơ sở tuân thủ những điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong một số trường hợp, trong đó có tình huống mà gia đình cháu gặp phải là "không có di chúc".
Thứ tự người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau: Hàng thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, những người thừa kế có thể là cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của bà cháu (nếu còn sống), ông nội (nếu còn sống), các con đẻ của bà (trong đó có bố cháu) và các con nuôi của bà (nếu có).
Sau khi thanh toán những khoản chi phí như: chi phí cho mai táng, tiền cấp dưỡng còn thiếu, các khoản nợ của bà, chi phí cho việc bảo quản di sản... những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận về việc phân chia di sản. Di sản có thể được phân chia bằng hiện vật nhưng nếu không thể chia được theo cách đó thì có thể bán để chia bằng tiền mặt.
------------------------ Quyền và nghĩa vụ đối với tài sản thừa kế
Hỏi: Khi nào thì phát sinh những quyền và nghĩa vụ đối với tài sản thừa kế?
Trả lời: Theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Đối với trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà không xác định được ngày chết thì ngày mà quyết định của Tòa án tuyên bố người đó đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày người đó chết.
Trong trường hợp này, thời điểm mở thừa kế là ngày mà quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật. Như vậy, nếu cháu là người thừa kế thì các quyền và nghĩa vụ của cháu đối với tài sản thừa kế sẽ phát sinh từ thời điểm mở thừa kế và việc xác định thời điểm đó sẽ thuộc một trong hai trường hợp vừa nêu trên đây.
Tổng hợp
|