Công an Hà Nội đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Các Website khác - 25/01/2006
Trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng cần chủ động phòng ngừa là chính. Bởi khi để vụ việc xảy ra, sẽ có ba điều mất. Ðó là: mất người, mất của và điều mất lớn nhất là lòng tin của cán bộ, nhân dân vào hệ thống chính trị nước nhà.
Quả thật, chờ khi các vụ việc tham nhũng và vi phạm về kinh tế xảy ra, mới điều tra xử lý, rõ ràng chúng ta sẽ mất những cán bộ, đảng viên được đào tạo cơ bản, có năng lực, trình độ kinh tế. Ðó là mất người. Ðối với việc mất của, cho dù hiệu quả thu hồi cao đến đâu, thì cũng không đủ số thất thoát và việc giải quyết khắc phục hậu quả vô hình lại rất tốn công, tốn sức. Nghiêm trọng hơn cả là lòng tin của cán bộ nhân dân rất khó lấy lại được.

Xuất phát từ mục tiêu đó, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an Hà Nội, đã có nhiều biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm này.

Do vị trí là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, mỗi năm Hà Nội thu hút số lượng vốn từ các đối tác nước ngoài và vốn đầu tư của Chính phủ, thành phố và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số lượng hơn 40 nghìn tỷ đồng/năm. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 34.328 doanh nghiệp: có 387 doanh nghiệp Nhà nước; 601 doanh nghiệp liên doanh đầu tư nước ngoài; 320 công ty cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước; 33.020 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với số thu ngân sách năm 2005 là 26 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, bộ mặt đô thị phát triển mạnh với 107 dự án khu đô thị, số vốn đầu tư là 23 nghìn tỷ đồng.

Những đặc điểm nói trên cho thấy, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, thì tốc độ gia tăng vi phạm và tội phạm kinh tế cả về số lượng và mức độ vi phạm có phần càng phức tạp. Ðặc biệt là tình trạng tham nhũng và thất thoát ngân sách Nhà nước đã và đang là vấn đề thời sự, bức xúc trong đời sống xã hội, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, đang được Ðảng, Nhà nước, lực lượng chức năng và nhân dân tham gia đấu tranh.

Hiện nay, điều dễ nhận thấy, là tình hình thất thoát và tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đang diễn ra rất phổ biến, nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tiền của, chất lượng công trình và lòng tin của nhân dân. Tham nhũng ở lĩnh vực này diễn ra ở tất cả các giai đoạn thực hiện dự án: từ lập dự án, phê duyệt thiết kế, giao đất, giải phóng mặt bằng, thi công, giám sát và thanh quyết toán.

Qua điều tra nắm tình hình của Công an Hà Nội, hầu như tất cả các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước, đều có thất thoát do lãng phí, tiêu cực, tham nhũng gây ra và có dấu hiệu gia tăng. Ðã có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại số lượng lớn tài sản, việc khắc phục hậu quả rất khó khăn và nan giải. Ðiển hình như vụ Lã Thị Kim Oanh, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; vụ Ngô Thanh Lam, cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tham ô 80 tỷ đồng...

Về tình hình vi phạm Luật Ðất đai, tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trục lợi trong quản lý sử dụng đất đai... những năm qua là rất phức tạp, gây thiệt hại lớn nguồn thu ngân sách, nhiều người có chức vụ đã "kiếm chác" thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng bỏ túi. Ðiển hình là vụ Ðào Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc HUD (Bộ Xây dựng) đã lợi dụng chức quyền chiếm đoạt 15 tỷ đồng.

Tình trạng sách nhiễu, tiêu cực của một số công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước đã gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội. Nổi bật là tiêu cực ở một bộ phận cán bộ xã, phường trong quản lý đô thị, quản lý đất đai và cán bộ nhà đất, địa chính trong việc cấp sổ đỏ, bán nhà, giao và cho thuê, thu hồi đất. Ngoài ra, còn nhiều tiêu cực ở các lực lượng hải quan, thuế, thanh tra, công an...

Năm năm qua, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phòng PC15 đã lập nhiều chuyên án, phát hiện xử lý 147 vụ, 252 đối tượng. Có 111 vụ tham ô, gồm 195 đối tượng; nhận hối lộ 19 vụ, 30 đối tượng; lạm dụng chức vụ quyền hạn 17 vụ, 27 đối tượng. Công an đã thu hồi gần 62 tỷ đồng và 73.450 USD, đề nghị truy tố 61 vụ, 112 bị can. Một số vụ việc được PC15 tập trung lực lượng giải quyết, đạt hiệu quả cao như: Kế hoạch giải quyết thương binh sử dụng xe ba bánh vận chuyển hàng lậu; đấu tranh chống tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động (đã phá 152 vụ, bắt 195 đối tượng, thu hồi 8,5 tỷ đồng); chống tội phạm mua bán hóa đơn VAT (đã khám phá 35 vụ, 47 đối tượng, khởi tố 16 vụ, 25 bị can); khám phá vụ án tham nhũng trong xây dựng cơ bản bằng thủ đoạn rút ruột công trình nhà A2 Kim Giang, 39 Ngô Quyền, Hà Nội...

Từ kết quả đấu tranh chống tội phạm tham nhũng trong một số lĩnh vực, PC15 Công an Hà Nội đúc rút một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, phải chủ động phòng ngừa là chính. Năm năm qua, PC15 đã có bảy kiến nghị với Chính phủ, 103 kiến nghị với các bộ, UBND thành phố, 78 kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước; trong số đó có nhiều kiến nghị về sơ hở của chính sách, giúp Chính phủ, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp... phòng ngừa, tránh để kẻ xấu lợi dụng. Ðiển hình, như kiến nghị sửa đổi quy định về hoàn thuế VAT, phòng ngừa đối tượng chiếm đoạt ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, để hoạt động có hiệu quả, PC15 đã chủ động xây dựng mối quan hệ, phối hợp thường xuyên, có hiệu quả với các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi trên lĩnh vực chống tham nhũng, trách nhiệm chính thuộc thủ trưởng các đơn vị, các cơ quan quản lý Nhà nước, công an chỉ là mũi nhọn nòng cốt. Những năm qua, PC15 đã có quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra, Ủy ban kiểm tra Ðảng các cấp. Nhờ đó, đã huy động được các ngành, các cấp tham gia phòng, chống tham nhũng, tạo lực lượng hỗ trợ, bọc lót cho lực lượng công an đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả.

Thứ ba, công tác đấu tranh xử lý tội phạm tham nhũng có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tội phạm. Hiệu quả công tác đấu tranh là thước đo bản lĩnh và năng lực của lực lượng công an. Bởi đối tượng tham nhũng có thế mạnh về trình độ kiến thức; là đối tượng có tiền, có quan hệ rộng và không ít trường hợp có "ô, dù" che chắn.

Lê Phương Hiên