Nhằm thực hiện nghiêm Nghị định, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Bính Tuất, lực lượng CSGT toàn quốc đã tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự thiếu hiểu biết về nghị định và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài tuyến đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ phần lớn số người điều khiển mô-tô đường dài chấp hành đội mũ bảo hiểm, ý thức được sự nguy hiểm nếu rủi ro xảy ra tai nạn, hầu hết trên các tuyến quốc lộ 5, 6, 1A... tình trạng không đội mũ bảo hiểm vẫn phổ biến và càng gia tăng ở các tuyến đường liên huyện. Khác trước đây chỉ phạt tiền, một trong những điểm mới của Nghị định 152/CP xử phạt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng và tạm giữ phương tiện thời hạn ba ngày đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm. Mặc dù đã áp dụng tình tiết tăng nặng nhưng hiện tượng vi phạm vẫn không giảm.
Tuần qua, khi có mặt tại điểm chốt km số 3, quốc lộ 21B thuộc địa phận xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Tây), chỉ trong hai tiếng đồng hồ, chúng tôi chứng kiến có 35 người điều khiển xe mô-tô vi phạm vì lỗi không đội mũ bảo hiểm, phần lớn là người trong tỉnh. Ngay từ ngày đầu khi Nghị định 152/CP có hiệu lực (10-1), trạm CSGT Ba La thuộc phòng CSGT Công an Hà Tây đã đồng loạt ra quân xử lý nghiêm vi phạm không đội mũ bảo hiểm, mỗi ngày trung bình khoảng 50 trường hợp. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm phần nhỏ so với thực tế số người điều khiển mô-tô trên tuyến đường này không đội mũ bảo hiểm. Thiếu tá Hoàng Văn Đạo cho biết, vào giờ cao điểm, rất đông bà con trở ra thị xã Hà Đông, nội thành Hà Nội làm ăn buôn bán, cho nên bắt giữ xe rất dễ gây ùn tắc. Trạm chỉ tập trung xử lý vào thời điểm mật độ lưu thông trên đường giảm nhiều. Phần lớn số người vi phạm khi bị xử phạt tạm giữ phương tiện đều bất ngờ vì mức phạt của nghị định mới, tỏ thái độ phản ứng do bị giữ xe. Tuy vậy, khi được CSGT nhắc nhở, giải thích cặn kẽ và kiên quyết xử phạt lại năn nỉ được nộp phạt và xin tha giữ xe. Bởi thế, CSGT phải nhắc nhở nhiều lần mới chịu ký vào biên bản vi phạm. Cá biệt, một số trường hợp nhất định không ký biên bản khi yêu cầu của họ không được đáp ứng, thậm chí có người nửa đêm còn gõ cửa trạm KSGT để xin xe... Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân vi phạm không đội mũ bảo hiểm, ông Trương Đình Đoàn ở Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Tây) giải thích, chiếc xe biển số 33L7- 2778 ông sử dụng là đi mượn của hàng xóm để sang xã bên, nhưng đi chưa được cây số đã bị xử phạt, chưa biết có nghị định mới nên tha thiết xin được nộp tiền phạt và mong được lấy xe về. Một đồng chí CSGT còn lo ngại với tình trạng vi phạm phổ biến nói trên, trong mùa lễ hội chùa Hương sắp tới ước tính rất đông người đi lễ hội bằng xe máy, lưu thông trên đường cả ngày đêm, nếu không có phương án triển khai chặt chẽ, kỹ lưỡng thì rất khó ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, quy định tạm giữ xe vi phạm trong thời hạn ba ngày cũng nảy sinh hàng loạt vấn đề như: gia tăng chi phí xăng cho xe tải chở mô-tô vi phạm về các bãi tạm giữ, đòi hỏi tăng cường nhân lực và mở rộng các bãi trông xe, thời gian lập biên bản, hoàn chỉnh thủ tục xử phạt, tạm giữ xe trung bình cũng phải 20 phút, chưa kể các trường hợp phản kháng khi xử phạt và những phiền toái lấy phương tiện sau ba ngày tạm giữ, nhất là với những người ở tỉnh xa.
Sở dĩ người dân chưa hiểu hoặc không biết tới nghị định mới vì công tác tuyên truyền còn hạn chế. Ngay cả một số người dân trong nội đô Hà Nội và các tỉnh giáp ranh cũng chưa nắm rõ nội dung nghị định này. Còn với các tỉnh miền núi, việc tuyên truyền về nghị định khó khăn hơn rất nhiều. Điển hình, trong số hơn 100 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm bị Đội tuần tra kiểm soát 1-6 Xuân Mai (Hà Tây) xử lý tuần qua có trường hợp vi phạm là người dân tộc, thiểu số vùng cao không biết tới nghị định.
Theo thống kê những năm gần đây cho thấy, đối tượng điều khiển xe mô-tô gây tai nạn giao thông chiếm khoảng hơn 70% và ngày càng gia tăng, nguyên nhân chính là do chạy quá tốc độ. Do quy định về xử phạt vi phạm quá tốc độ trong nghị định mới nới lỏng hơn so với nghị định cũ, cho nên khả năng sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn gia tăng tai nạn giao thông trong năm tới nếu người điều khiển phương tiện lưu thông không nghiêm chỉnh chấp hành.
Sau đợt phối hợp với Công an tỉnh Hà Tây triển khai phương án tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi Nghị định 152/CP chính thức có hiệu lực, từ ngày 15-1 đến 15-2, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt đã triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất. Lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung trên các tuyến đường quốc lộ trọng điểm, địa bàn xảy ra nhiều tai nạn, kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, như điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, say rượu, bia khi tham gia giao thông, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, điều khiển mô-tô không đội mũ bảo hiểm; phối hợp các lực lượng ngăn chặn chống đua xe trái phép và tổ chức hướng dẫn giao thông, giảm ùn tắc... Qua tuần tra cơ động và chốt chặn kiểm soát từ ngày 12 đến ngày 18-1, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 57.487 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt 6,8 tỷ đồng, thu 1.516 giấy phép lái xe, tạm giữ 146 ô-tô, 8.823 mô-tô, xe máy, 553 phương tiện khác. Từ ngày 19-1 đến nay, trong đó cao điểm nhất là ngày 19-1 đã xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 29 người, bị thương 20 người, xử lý 9.459 vụ vi phạm TTATGT, phạt 1,156 tỷ đồng, tạm giữ hơn 1.700 phương tiện và 650 giấy tờ xe các loại, trong đó lỗi vi phạm phổ biến vẫn là tình trạng xe ô-tô chở quá tải, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Để Nghị định 152/CP thật sự đi vào cuộc sống và bảo đảm an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi người, mọi nhà trong dịp Tết Bính Tuất, ngoài biện pháp tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiết nghĩ mỗi người dân phải tự giác nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông.
|