Vụ buôn lậu hơn hai triệu mét vải: Kẻ làm mướn trở thành trùm vải lậu
Các Website khác - 16/03/2006
Cơ quan chức năng khám xét container.
Mười lăm năm trước, Nguyễn Văn Thảnh làm mướn cho cơ sở dệt Kim Thuận Phát (quận 11). Do quen Phạm Hoàng Sơn - chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang nên năm 2003, Thảnh được “tuyển” về làm công cho Sơn với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng.  Sau đó, Thảnh được Sơn “dựng” lên làm giám đốc Công ty TNHH Tuấn Ngân. Công ty này đã thực hiện hàng loạt vụ buôn lậu vải quy mô lớn.
Hai triệu mét vải nhập lậu

Phạm Hoàng Sơn chỉ đạo Nguyễn Văn Thảnh lập các hợp đồng gia công hàng dệt may với đối tác nước ngoài (Hàn Quốc), nhưng thực chất là để buôn lậu vải. Bọn chúng đã nhập về và tuồn ra thị trường Việt Nam hơn 2 triệu mét vải lậu để trốn thuế với số tiền lớn. Bản hợp đồng thứ nhất do Công ty TNHH Tuấn Ngân của Thảnh thực hiện vào ngày 17-3-2004, nhận gia công cho đối tác là Công ty Jung Ang Trading Co LTD (Hàn Quốc).

Theo bản hợp đồng này, Công ty TNHH Tuấn Ngân sẽ nhập về nguyên phụ liệu để gia công cho phía Công ty Hàn Quốc gồm 325.000 quần áo các loại hiệu Sammara, Luc, Flower. Trị giá gia công là 195.000USD. Hợp đồng thứ hai được thực hiện sau hợp đồng thứ nhất ba ngày giữa Công ty Tuấn Ngân (bên B) và Công ty Comus International Co LTD (Hàn Quốc bên A). Các bước thực hiện và số lượng hàng hóa giống như hợp đồng trước đó và cũng thanh toán bằng tài khoản thông qua MHB.

Với hai bản hợp đồng “gia công” này, Thảnh đã ký mở 20 tờ khai đăng ký nhập vải về Việt Nam tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công - Cục Hải quan TPHCM và nhận về gần 900.000 mét vải trị giá hơn 693.000USD. Số vải nhập “gia công” này được Sơn và Thảnh phân phát cho các đầu mối bán hết ra thị trường. Theo cơ quan điều tra, trong tổng số vải được Công ty Tuấn Ngân nhập về thì có hơn 490.000 mét của Công ty Jung Ang và Công ty Comus theo hợp đồng, còn lại gần 400.000 mét vải là của các công ty khác không có tên trong hợp đồng, không phải xuất xứ từ Hàn Quốc và cũng không có sự ủy quyền của hai đơn vị giao nhận gia công (theo quy định của hợp đồng).

Sơn đã chỉ đạo Thảnh “chạy” để ký vào hai tờ khai xuất khẩu vải ra nước ngoài với số lượng là 873,697 mét vải cho hai Công ty Hàn Quốc nói trên theo diện “tái xuất”. Số hàng này được chứa trong chín container loại 40 feet do hai nhân viên hải quan là Nguyễn Văn Trạng và Hồ Quang Anh làm thủ tục thông quan.

Cơ quan điều tra đã phối hợp với Hải quan thành phố kiểm tra thực tế chín container này, phát hiện chỉ phần đuôi thùng thì có vải, phần giữa thùng là trống rỗng. Thực tế trong chín container chỉ có 118.000 mét vải, như vậy Công ty Tuấn Ngân đã xuất khống so với hai tờ khai gần 756.000 mét vải. Đây là thủ đoạn rất tinh vi nhằm che dấu hành vi buôn lậu của bọn Thảnh - Sơn.

Tiếp tay cho buôn lậu


Phạm Hoàng Sơn.
Dù trong hai hợp đồng của Công ty Tuấn Ngân nộp cho Chi cục Hải quan thiếu hẳn một số danh mục cơ bản về việc nhập nguyên phụ liệu gia công hàng may mặc, nhưng nhân viên tiếp nhận hồ sơ hải quan là Mạnh Trọng Bắc vẫn trình lên đội trưởng Võ Văn Sinh cho mở hai hợp đồng nói trên giúp bọn Thảnh - Sơn nhập lậu số lượng vải lớn trốn thuế hơn 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các hợp đồng gia công của Công ty Thanh Nghĩa, Phương Tâm, DNTN Lạc Hùng, DNTN Hoàng Giang thuộc đường dây buôn lậu do Phạm Hoàng Sơn cầm đầu cũng thiếu các danh mục trên nhưng vẫn được Bắc và Sinh “duyệt” để nhập về hơn 2 triệu mét vải trị giá gần 1,3 triệu USD (chưa quy tính thuế). Mặt khác, gần 400.000 mét vải không rõ nguồn gốc do Công ty Tuấn Ngân nhập về không có giấy ủy quyền nhưng Hải quan TPHCM vẫn cho nhập (?). Chỉ tính hai hợp đồng của Công ty Tuấn Ngân, Mạnh Trọng Bắc và Võ Văn Sinh đã làm thất thu thuế của Nhà nước hơn 8,2 tỷ đồng. Với hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng này, ngày 22-2-2006, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giam và kê biên tài sản đối với Bắc và Sinh. Hiện Phạm Hoàng Sơn đã bỏ trốn.

Riêng đối với các nhân viên của MHB, cơ quan điều tra đã xác định số tài khoản thanh toán của Công ty Tuấn Ngân với các đối tác nước ngoài tại ngân hàng này là không có thực. Không có hợp đồng thương mại, tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc giấy sử dụng ngoại tệ đúng mục đích... nhưng phó phòng kinh doanh đối ngoại Nguyễn Thị Thanh Thu và ông Hải - Phó giám đốc Sở giao dịch II - vẫn ký đề xuất bán cho Công ty Tuấn Ngân gần 45.000USD để chuyển cho ngân hàng nước ngoài.

Điều này hoàn toàn sai với quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc bán ngoại tệ. Sau đó thanh toán viên Võ Thị Mai Hương và bà Thu tiếp tục đề xuất với bà Phạm Hoàng Tâm - Giám đốc Sở giao dịch bán tiếp cho Công ty Tuấn Ngân gần 36.000USD để trả cho đối tác nước ngoài. Như vậy MHB đã duyệt bán hơn 80.000USD (gần 1,3 tỷ đồng) sai quy định.

Đây là một trong những vụ buôn lậu vải lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến một số cán bộ Hải quan TP Hồ Chí Minh và MHB. Vụ việc trên đã làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vải của rất nhiều doanh nghiệp.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh