Bảo vệ người tiêu dùng trong bán hàng đa cấp, mua bán hàng qua mạng
Các Website khác - 15/03/2006
Bà Đinh Thị Mỹ Loan,
Cục trưởng Cục Quản lý
cạnh tranh.
Người tiêu dùng bị công ty bán hàng đa cấp lừa đảo về chất lượng hàng hóa, tham gia mua bán hàng trên mạng cũng có thể gặp rủi ro tương tự. Khi bị xâm phạm quyền lợi không chỉ trên thị trường thực mà cả trong "thế giới ảo" thì quyền lợi của người tiêu dùng cũng cần được bảo vệ. Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Đinh Thị Mỹ Loan trao đổi ý kiến chung quanh vấn đề mới mẻ và lý thú này.
* Thưa bà, mới đây Chính phủ đã chính thức giao chức năng bảo vệ người tiêu dùng cho Cục Quản lý cạnh tranh. Cục Quản lý cạnh tranh tới đây sẽ làm gì để tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

- Từ khi có Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng đến nay công tác bảo vệ người tiêu dùng đã được triển khai song thẳng thắn nhìn nhận thì cần hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa. Hiện nay các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không đạt tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh, thiếu độ an toàn, giá cả bất hợp lý, vấn đề tiêu đùng gây nguy hại đến môi trường, vấn đề cung cấp cho người tiêu dùng các hàng hóa, địch vụ thiết yếu đặc biệt là điện, xăng dầu, khí đốt, vấn đề giá cả và độ an toàn của các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông, xây dựng... đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta. Trước tình hình này, Cục Quản lý cạnh tranh đã lên kế hoạch và có nhiều hoạt động, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chính quyền của mình. Văn hóa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở nước ta còn thấp, bản thân người tiêu dùng chưa hiểu mình có quyền gì, đòi hỏi gì đối với các đơn vị bán hàng, sản xuất hàng hóa. Ngược lại, các đơn vị bán, sản xuất hàng hóa cũng chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các Sở Thương mại địa phương cũng đã "vào cuộc", phổ biến các vấn đề này xuống cơ sở. Tới đây chúng tôi sẽ cùng Bộ Giáo dục đưa giáo dục tuyên truyền về bảo vệ người tiêu dùng vào các chương trình giáo dục phổ thông và ĐH. Về góc độ thực thi, Cục sẽ phối hợp với Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng để giải quyết những khiếu nại ở mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của người tiêu dùng và ảnh hưởng tới xã hội.

* Trên thực tế thì không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ các quyền của mình để khiếu nại. Tới đây Cục Quản lý cạnh tranh có giải pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng trong những lĩnh vực này?

- Đây đang là mối quan tâm rất lớn của chúng tôi. Bảo vệ người tiêu dùng trong thời kỳ này khác hẳn 5 năm về trước, thị trường có sự chuyển biến rất lớn và xuất hiện những khái niệm rất mới, thí dụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng. Về việc bán hàng đa cấp, báo chí đã đưa rất nhiều thông tin, đặc biệt về việc người tiêu dùng bị lừa đảo, bị mua sản phẩm và dịch vụ không đáng với giá trị của nó. Quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, tất cả những đơn vị, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp mà làm sai phải bị xử lý nghiêm minh.

Hiện Cục chúng tôi đã có những bộ phận chuyên làm công tác bảo vệ người tiêu dùng, sẽ có riêng một ban để bảo vệ người tiêu dùng. Chúng tôi rất quan tâm tới việc bán hàng đa cấp và bán hàng qua mạng với quyền lợi của người tiêu dùng nên đang nghiên cứu bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại điện tử... Chúng tôi đã nhận được các câu hỏi rằng chúng tôi có bảo vệ người tiêu dùng khi họ tham gia trò chơi trực tuyến, mua bán tài sản ảo mà họ có được khi tham gia trò chơi này hay không. Đây quả là những vấn đề rất mới song chúng tôi cho rằng người tiêu dùng phải được bảo vệ.

* Còn với những hiện tượng như cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, xin bà cho biết Cục Quản lý cạnh tranh sẽ xử lý như thế nào?

- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh như khuyến mại không lành mạnh, quảng cáo không lành mạnh, bán hàng đa cấp bất chính... nếu có bất cứ hiện tượng nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh thì chiểu theo Luật Cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ xem xét, điều tra vụ việc đó và sẽ xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên những hành vi hạn chế cạnh tranh thì chúng tôi sau khi điều tra sẽ chuyển lên Hội đồng Cạnh tranh.

* Xin cảm ơn bà!

Theo Pháp luật Việt Nam