Hàng lậu vẫn tràn qua Hang Dơi
Các Website khác - 15/03/2006
Sau vụ tấn công lực lượng chống
buôn lậu ngày 9-3, trên núi cao
đám buôn lậu vẫn vô tư đứng
nhìn các ngành chức năng bắt hàng.
Sau một tuần, kể từ ngày 9-3, lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn bị tấn công làm hàng chục cán bộ, chiến sĩ bị thương, vẫn có từng đám người bu bám cùng đống hàng hóa lặc lè trên núi cao ở Thác Ném, Hang Dơi sẵn sàng chờ “đường thông” để phi hàng xuống. Bọn buôn lậu vẫn đang thách thức pháp luật.
Ba lần đi chống lậu, ba lần bị ném đá vào đầu

Thiếu úy Bộ đội Biên phòng Đặng Đình Du (sinh năm 1979) mới được chuyển về công tác tại Đội liên ngành chống buôn lậu huyện Văn Lãng từ tháng 12-2005. Về nhận công tác đúng dịp bọn buôn lậu thường xuyên chuyển hàng từ khu vực 05-06 (thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vòng qua đồi núi sang Hang Dơi. Một trong những chiêu thức mà bọn buôn lậu qua con đường này thường dùng là khi gặp lực lượng chống buôn lậu thì chống đối quyết liệt bằng việc ném đá.

Thiếu úy Du cho biết: “Ba tháng gần đây tôi liên tục bị chúng tấn công. Ba lần bắt được hàng là cả ba lần bị đá ném vào đầu. Lần một, may dính hòn đá nhỏ và đội mũ nên chỉ bị choáng. Lần thứ hai vào buổi tối ngày 23-1-2006 bị chúng ném vào trán, phải đi bệnh xá Biên phòng tỉnh cấp cứu, khâu hai mũi. Nằm viện hơn một tuần, trở lại đơn vị đi làm nhiệm vụ vào trưa 2-3, mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm song chiếc mũ cối trên đầu tôi vẫn không chịu được những hòn đá to được giội từ trên đỉnh núi xuống. Chiếc mũ toác ra và tôi bị chảy nhiều máu, trên đỉnh đầu hiện vẫn còn vết khâu 6 mũi...”.

Chiều ngày 13-3, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã có buổi làm việc với huyện Văn Lãng để bàn các biện pháp xử lý vụ “cửu vạn” tấn công lực lượng chống buôn lậu ngày 9-3. Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng đã trực tiếp đến tận địa bàn Hang Dơi, đến đồn Biên phòng Tân Thanh để nắm tình hình. Ông Chủ tịch huyện cho biết, bản thân ông cũng rất bức xúc về vụ việc đã xảy ra vừa qua và sẽ chỉ đạo các ngành chức năng trong huyện làm dứt điểm, quyết liệt để tìm ra thủ phạm chống người thi hành công vụ cũng như ngăn chặn nạn buôn lậu ở khu vực Hang Dơi.


Trên gương mặt còn xanh do mất máu nhiều, người sĩ quan trẻ Biên phòng này cho biết thêm: Trong đội, gần như ai cũng bị “dính” đá của bọn buôn lậu, trong số này có nhiều người đã bị thương, phải đi bệnh viện cấp cứu. Nhiều người thân nghe tin rất xót xa, lo lắng. “May mà tôi chưa có vợ nên không phải mất thời gian thuyết phục, động viên, chứ các anh em khác, vợ cứ điện lên đơn vị giục xin chuyển công tác...” - Anh Du nói.

Những lỗ hổng khó bịt

Trung tá Nông Thanh Kỵ, Phó chỉ huy đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: “Từ đầu năm Bính Tuất, nhận thấy chủ buôn lậu lớn chuyển sang Hang Dơi làm ăn, lực lượng Biên phòng đã được tăng cường thêm một tổ công tác tại Cốc Nam- Hang Dơi. Thế nhưng ngay ngày hôm sau đã bị chúng tấn công bằng đá. Chúng tôi đã thu được tại hiện trường những quả pháo có gắn vật cứng ở bên trong. Chúng có thể gây sát thương. Trong ngày xảy ra vụ việc, Biên phòng đã tạm giữ và tiến hành xét hỏi 5 “cửu vạn” là người miền xuôi lên làm thuê ở khu vực Hang Dơi. Hiện tại chỉ có thể xác định những người này đã vi phạm quy chế biên giới”.

Tại trụ sở UBND xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), ông Hoàng Minh Hạnh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Địa bàn Hang Dơi thuộc thôn Khơ Đa là một trong những “điểm nóng” của xã. Thôn Khơ Đa có 98 hộ dân nhưng chỉ có khoảng 30 hộ bản địa còn lại là dân từ nơi khác chuyển đến sinh sống. Dân trong xã, ngoài thời gian đi làm nương, còn lại cũng tham gia mang vác hàng thuê kiếm tiền. Giữa năm 2005 xã đến từng hộ dân ký cam kết không chuyển hàng lậu. Thế nhưng tình trạng buôn lậu vẫn không hề thuyên giảm. Nhiều vụ chống đối lực lượng chức năng đã xảy ra.

Suốt thời gian qua, kể từ khi mở cửa đường biên, năm 2002 mới có một vụ được làm rõ và đưa ra xét xử, kẻ lĩnh án cao nhất cũng chỉ 6 tháng tù giam còn lại chỉ bị xử tù treo. Đây cũng là nguyên nhân khiến bọn buôn lậu nhờn và coi thường pháp luật. Ông Hạnh cho biết thêm: “Nếu nói là kiểm soát chặt được buôn lậu thì quả là khó khăn, bởi chỉ riêng trên địa bàn xã Tân Mỹ, tính sơ sơ cũng có tới 6,7 đường mòn qua biên, chứ vào được nội địa thì có vô vàn đường mòn, đường xương cá. Đã vậy, sự phối hợp giữa các ngành chức năng đóng quân trên địa bàn với xã cũng chưa thực sự gắn kết, ví như vụ việc ngày 9-3 vừa qua đến 16 giờ chiều, xã mới biết sự việc nhờ nhận được tin từ...Huyện đội Văn Lãng điện tới hỏi thăm”. Ông cho rằng, nếu trong lực lượng chống buôn lậu có đại diện của xã, ví như Trưởng hoặc Phó công an xã tham gia thì công việc sẽ được thuận tiện hơn.

Là người trong cuộc, được chứng kiến nhiều lần cán bộ, chiến sĩ trong đội bị tấn công, bị thương, ông Hoàng Liên Sơn, Đội trưởng đội chống buôn lậu huyện Văn Lãng (người cũng vừa bị bọn buôn lậu ném đá trúng đầu, lưng và vai ngày 9-3) bức xúc nói: “Đội chống buôn lậu đã làm nhiều đơn kiến nghị, lập nhiều hồ sơ vụ việc ban đầu để gửi lên Công an huyện, tỉnh cùng các ngành chức năng, song chưa thấy kẻ xấu nào bị lôi ra ánh sáng, bị trừng trị. Có lẽ, chính vì thế mà chúng không sợ và ngày càng hung hãn hơn...”.

Chúng tôi đi vào “đại bản doanh” của Thanh Thớt ngày xưa, bây giờ không còn những “boong ke” nhưng trên đường mòn xưa cũ vẫn đông đảo cửu vạn. Thấy chúng tôi đến, bọn buôn lậu, đám “cửu vạn” hò hét nhau vác hàng ngược lại biên giới. Đám này bực bội chửi đổng: “Bảo đường thông rồi cơ mà. Làm ăn kiểu gì thế...”(?!). Ngó chung quanh, tuyệt không thấy bóng dáng của các ngành chức năng. Trên núi cao, đám người đứng dàn hàng ngang ở sát đỉnh núi như thách thức. Chúng tôi bảo nhau vội lui ra, không thì lại “ăn một trận đá” xuống đầu thì khốn.

Theo Tiền phong