Caribe phải ưu tiên hàng đầu công tác chống HIV/AIDS
Các Website khác - 24/09/2005

Những thành tựu thu được trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ lần thứ 6 đã khẳng định, công tác chống HIV/AIDS phải trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của khu vực Caribe.

Đó là quan điểm của bà Leisa Perch, quản lý chương trình xóa bỏ đói nghèo và đại dịch HIV/AIDS của Tổ chức lao động thế giới (ILO). Cô Leisa đưa ra ý kiến trên khi tham gia hội thảo HIV/AIDS Behaviour Change Community (BCC) Strategy Development Workshop (phát triển chiến lược cộng đồng thay đổi hành vi HIV/AIDS) tại United Nations House (ngôi nhà LHQ) gần đây.

Theo cô Perch, thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ lây nhiễm HIV ở người lớn trong khu vực này đã lên đến 2.3%, ở một số quốc gia như Bahamas, Belize, Guyana, Haiti và Trinidad mức lây nhiễm cũng vượt quá 2%.

Không chỉ thế, riêng năm 2004 đã có thêm khoảng 53000 người nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên toàn vùng Caribe là 440 000 người.

HIV/AIDS giờ đây đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm người trưởng thành thuộc độ tuổi 15-24 ở nhiều nước trong khu vực. Rõ ràng đây là nhóm người đang trong độ tuổi là lực lượng sản xuất nòng cốt ở mỗi quốc gia.

Vào cuối năm 2000, mức lây nhiễm cao nhất toàn khu vực trong nhóm tuổi 25-34 là 35,3%. Hậu quả do thực trạng này gây ra có thể thấy rõ trong đời sống người dân và trong cả nền kinh tế quốc gia. Do mắc bệnh, người dân phải chịu cảnh thất nghiệp, mất nguồn thu nhập lại thêm các chi phí điều trị ngày một tăng cao đã tác động tiêu cực tới từng hộ dân cư. Lực lượng lao động ở châu Phi đã giảm một nửa, sức sản xuất suy yếu trên mọi lĩnh vực: y tế, giáo dục và phát triển xã hội.

Cũng theo vị quan chức của ILO này thì cùng với những thiệt hại kể trên, số trẻ em mồ côi và số quả phụ vì đại dịch thế kỷ cũng gia tăng theo đó. Cô nhấn mạnh, hiện thời có hơn 45 triệu người trên toàn thế giới nhiễm HIV/AIDS và đa phần trong số đó đều là những người đóng vai trò trụ cột kinh tế của mỗi hộ gia đình.

Bà Perch cảnh báo, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, đại dịch thế kỷ chắc chắn sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo của lực lượng lao động trong xã hội và hủy hoại tất cả những thành tựu đạt được từ trước đến nay.

Một vấn đề nữa bà lưu ý trong hội thảo chính là vấn đề phân biệt đối xử với người lao động nhiễm bệnh tại nơi làm việc. Bà Perch cho rằng, tình trạng tiêu cực đó đang là mối nguy tiềm ẩn làm hỏng các nội quy cơ bản và quyền lợi của người lao động tham gia sản xuất.

Một thực tế là, các chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Barbados và phần còn lại của khu vực thành công được là nhờ biết áp dụng biện pháp thích hợp. Nếu muốn giảm mạnh số trường hợp nhiễm mới cũng như lây nhiễm HIV trong khu vực, điều cần làm ngay chính là phải thay đổi hành vi ứng xử trong dân chúng. Theo bà Perch, cuộc hội thảo lần này mong muốn sẽ tạo ra những thay đổi đó trong người dân, không chỉ thay đổi trong quan niệm mà thay đổi cả trong cách ứng xử với người bệnh tại nơi làm việc.

Dương Kim Thoa theo http://www.barbadosadvocate.com