Làm rõ tính đặc thù trong kinh doanh bất động sản?
Các Website khác - 15/02/2006
Đầu tuần này, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lần thứ 8 để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Nội dung đầu tiên mà các đại biểu cho ý kiến là Dự án Luật Kinh doanh bất động sản. Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã cho biết ý kiến chung quanh dự luật này.
* Ông đánh giá như thế nào về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản ?

- Theo tôi, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định thể hiện tính đặc thù trong hoạt động kinh doanh bất động sản, như các hình thức kinh doanh bất động sản là nhà, công trình xây dựng, trong đó có đầu tư, tạo lập nhà, công trình để bán, cho thuê..., rồi hoạt động môi giới, định giá, dịch vụ quản lý bất động sản, sàn giao dịch bất động sản... Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội ở kỳ họp trước, Dự thảo Luật lần này tiếp tục chỉnh lý, bổ sung một số điều nhằm làm rõ hơn tính đặc thù trong hoạt động kinh doanh bất động sản như chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp được phép huy động vốn ứng trước của khách hàng để triển khai xây dựng; đầu tư tạo lập quỹ đất để chuyển nhượng, cho thuê ; chứng thư định giá bất động sản; xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản...

* Có ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản ở nước ta đang phát triển mang tính tự phát, thiếu lành mạnh, giao dịch ngầm vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Do đó, đề nghị quy định rõ một số giao dịch bất động sản phải được thực hiện công khai tại sàn giao dịch bất động sản?

- Dự thảo Luật đã quy định theo hướng tôn trọng và bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, đồng thời đề ra nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến trên, để làm rõ hơn loại giao dịch nào phải thông qua sàn, giao dịch nào khuyến khích thông qua sàn, Dự thảo Luật đã bổ sung những quy định trên.

Cụ thể, các giao dịch phải thông qua sàn giao dịch bất động sản gồm bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê là tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản với bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê là tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê là tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản với bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê là tổ chức, cá nhân không kinh doanh bất động sản.

Trường hợp cả hai bên đều không phải là đối tượng kinh doanh thì Luật chỉ khuyến khích thông qua sàn giao dịch để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên tham gia giao dịch.

* Một số kiến nghị cho rằng, nên bổ sung một số loại bất động sản vào kinh doanh theo Luật như rừng, vườn cây lâu năm, trang trại, ruộng làm muối, khu nuôi trồng thủy sản... Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, các bất động sản này mặc dù được pháp luật hiện hành cho phép mua bán, chuyển nhượng, cho thuê. Nhưng thực tế cho thấy, thị trường các loại bất động sản này chưa được hình thành rõ rệt. Việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê chỉ nhằm vào việc khai thác giá trị sử dụng, chưa phải là các giao dịch do các chủ thể chuyên kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua các hành vi như mua đi bán lại nhằm mục đích sinh lời.

Do vậy, trong tình hình hiện nay, Dự thảo Luật chỉ tập trung quy định việc kinh doanh các bất động sản là nhà, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất là các loại bất động sản đã có thị trường rõ rệt. Các loại bất động sản khác chưa có thị trường rõ rệt thì giao cho Chính phủ quy định bổ sung sau.

* Vì sao Dự thảo Luật chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản giống như tổ chức, cá nhân trong nước?

- Pháp luật hiện hành (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan) chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua bán bất động sản giống như tổ chức, cá nhân trong nước. Vì vậy, dự luật này cũng chỉ giao cho Chính phủ "quy định phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế trong nước theo từng thời kỳ và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế".

Theo Đầu tư