Những ngày sau tết, không khí làm việc ở nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế trọng điểm không sôi động như mọi năm. Ngoài những doanh nghiệp còn đơn hàng từ năm ngoái và một số doanh nghiệp ký kết được đơn hàng mới, số còn lại hoạt động cầm chừng
Người đến sàn giao dịch việc làm thì đông, nhưng người tìm được việc thì ít
Đến rằm tháng giêng mà nhiều doanh nghiệp vẫn căng tấm băng rôn “Chúc mừng năm mới” chắn ngang trước cổng, phía trong vắng hoe, im ắng. Trong khi áp lực việc làm tiếp tục đè nặng lên các địa phương thuộc khu vực miền Trung, thì ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, thị trường lao động im ắng hơn lệ thường.
Công nhân bó gối… chờ việc
Tình trạng người lao động mất việc không chỉ diễn ra trong những ngày đầu năm mà theo dự báo sẽ còn căng thẳng trong cả năm 2009. “Chỉ tính riêng 400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN–KCX) của Hà Nội, khả năng sẽ cắt giảm khoảng hơn 10% lao động, tương đương hơn 8.000 người”, ông Nguyễn Phú Điệp, phụ trách phòng quản lý lao động, ban Quản lý các KCN–KCX Hà Nội cho biết.
Trước tết, nhiều công nhân ở KCN Bắc Thăng Long đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc để nhận trợ cấp hai tháng lương cơ bản khi được doanh nghiệp kêu gọi tự nghỉ việc do sản xuất đình trệ. Sau tết, họ trở lại nơi làm việc cũ để tìm việc, nhưng “hai hôm nay, ngày nào em cũng ra bảng thông báo tuyển dụng trước cổng KCN để theo dõi xem có công ty nào tuyển không nhưng bảng thông báo vẫn trắng trơn. Có lẽ em chỉ trụ thêm được vài ngày nữa, nếu vẫn không có việc em đành phải về quê làm đồng”, một cựu công nhân của công ty Panasonic Vietnam cho biết.
Trước bối cảnh đó, nhiều lao động lo ngại: “Khi vận động công nhân tự xin nghỉ việc, công ty có hứa sẽ nhận lại chúng em vào làm mà không phải qua thi tuyển ngay khi sản xuất đi vào ổn định, nhưng biết đến bao giờ mới ổn định”.
Theo nhận định của các chuyên gia lao động, năm 2009 này người lao động sẽ rất khó có cơ hội để “nhảy việc”, nhất là đối với những lao động phổ thông. Lý do, có quá nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động với số lượng lớn, trong khi đó các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động lại không nhiều với số lượng không tương đương.
Áp lực đổ về miền Trung
Giữa lúc số lượng lao động bị mất việc gia tăng, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp đăng tuyển lao động với số lượng lớn. Lãnh đạo LĐLĐ nhiều địa phương cảnh báo, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình sản xuất khó khăn để cắt hợp đồng với công nhân cũ, sau đó lại tuyển người mới với chi phí trả lương chỉ bằng 70% lương của công nhân đã làm việc lâu năm. |
Trái ngược với các năm trước, sau tết Nguyên đán không còn cảnh lao động miền Trung đổ xô vào các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương làm việc. Tại sàn giao dịch việc làm đầu tiên của năm 2009 diễn ra vào ngày mùng 6 tết do trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, mặc dù vẫn có hàng ngàn lao động tham gia, nhưng số người tìm được việc làm rất ít. Đặc biệt, số lao động đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp phía Nam không đáng kể.
Bùi Thành Công, ngụ tại xã Đức Thạnh huyện Mộ Đức bộc bạch: “Trước đây công việc của em ở Bình Dương khá ổn định, mỗi tháng chi tiêu xong cũng còn dư hơn triệu đồng gửi về quê. Còn từ cuối năm 2008 thì phải… chơi dài vì không có việc, cũng chẳng có lương. Bây giờ nếu có vào Nam cũng chẳng biết xin việc ở đâu. Vì thế cứ ở nhà chơi hết tháng giêng rồi hãy tính”.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều lao động ở miền Trung. Không chỉ những người bị mất việc trước tết, mà cả những người “được” làm việc đến cận tết cũng không vội vã trở vào Nam. Họ ngồi nhà nghe ngóng tình hình, đợi đến khi công ty gọi thì mới vào. Nhưng đến mùng 10 tết mà hầu hết vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, phó giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết: “Bình Định hiện đang thừa rất nhiều lao động. Từ cuối năm ngoái, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh bị đình trệ sản xuất do không có đơn hàng. Cùng lúc, một lượng lớn lao động từ phía Nam bị mất việc đổ về, tạo áp lực việc làm rất lớn đối với địa phương”. Hiện lượng lao động có nhu cầu tìm việc ở Bình Định tăng vọt so với các năm trước, trong đó có một bộ phận đáng kể là lao động từ phía Nam “dội ra”.
Tiếp tục căng thẳng
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, giám đốc sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết, năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã đăng ký cắt giảm khoảng hơn 8.700 lao động (theo dự báo, sẽ có tới 10 – 15 ngàn lao động bị cắt giảm). Đến thời điểm này, đã có hơn 6.400 lao động bị cắt giảm, dự tính đến hết quý 1/2009 sẽ cắt giảm thêm 3.000 người nữa. Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc trung tâm GTVL Hepza (TP.HCM) cũng cho biết, lượng lao động đến tìm việc tại trung tâm trong những ngày đầu năm giảm chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Bà Nguyễn Ngọc Trinh, phó giám đốc trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội cho biết, ngoài đơn hàng tuyển dụng 200 người cho KCN Bắc Thăng Long nhận từ trước tết, trung tâm không có thêm đơn hàng nào, trái ngược hẳn với các năm trước. Ông Nguyễn Phú Điệp, phụ trách phòng quản lý lao động, ban Quản lý các KCN–KCX Hà Nội cho biết có 19 công ty xin cắt giảm lao động, trong đó một số cắt giảm số lượng rất lớn: công ty Panasonic Việt Nam xin giảm 500, Nishei 1.600, Canon 1.200 người...
Theo SGTT
▪ Toyota giảm thưởng của sếp, khuyến khích nhân viên nghỉ việc (13/02/2009)
▪ 3 tháng, 5.000 lao động phải về nước trước hạn (13/02/2009)
▪ Huyền ảo Dubai - HongKong xứ Ảrập (12/02/2009)
▪ Bán hàng trên mạng - nghề tay trái hái ra tiền (12/02/2009)
▪ Người lao động tại TP Hồ Chí Minh:Dùng dằng đi hay ở? (11/02/2009)
▪ Người lao động tại TP Hồ Chí Minh:Dùng dằng đi hay ở? (11/02/2009)
▪ Người lao động đổ xô đi tìm việc (07/02/2009)
▪ Nhiều công nhân xuất khẩu lao động phải về nước sớm (06/02/2009)
▪ CNTT: Cơ hội cho người nhiễm HIV (06/02/2009)
▪ Công nhân đình công vì công ty thất hứa tiền thưởng (06/02/2009)