Mất việc khổ, còn việc chưa hết lo…
Công nhân Nguyễn Thành Trung, 34 tuổi, một vợ hai con đang có cuộc sống thấp thỏm đầy bất an. Trung rời làng quê nghèo ở xã Tịnh Hòa, Quảng Ngãi vào TPHCM học nghề, tìm việc từ năm 1995. Cuộc đời công nhân kéo dài từ phòng trọ này đến phòng trọ khác.
Cách đây 2 năm, chỗ làm cũ của Trung kinh doanh không hiệu quả phải giải thể. Trung chuyển đến làm tại xí nghiệp Đông lạnh 5 (Q.11). Lương của Trung trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Vợ Trung làm tại Siêu thị Bình Dân thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Trước Tết Kỷ Sửu, có tháng Trung nghỉ hẳn 2 ngày Thứ 6 và Thứ 7, không tăng ca nên thu nhập thấp hơn, vật giá lại leo thang nên Trung đành gửi một cháu lớn về quê vì hai vợ chồng không kham nổi chi phí. Sau Tết, Trung may mắn vẫn tiếp tục có công việc nhưng thu nhập tiếp tục tuột dốc. “Vì lương khoán nên để có mức lương 2,1 triệu đồng/tháng, chúng tôi phải có việc để làm đủ 26 ngày/tháng. Từ trước và sau Tết, công việc ở xí nghiệp ít dần, có khi chỉ làm 18-20 ngày/tháng nên thu nhập giảm hẳn...”, Trung bộc bạch.
Tâm trạng của Trung ở thời điểm này là tới đâu hay tới đó vì chẳng thể làm gì khác được. “Tôi đang cố gắng trụ lại, cố gắng làm việc hết mình để giữ chỗ làm. Những người thuê trọ quanh tôi (đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú) cũng có người mất việc, đến giờ vẫn chưa tìm được việc làm. Tôi lo lắm. Có việc làm còn khó khăn thế này, nếu mất việc tôi chưa biết tính sao. Về quê hay ở lại tôi chưa định hướng được”, Trung lắc đầu nói.

|
Công nhân Trung và cô con gái, chưa biết những ngày tới sẽ sống thế nào. (Ảnh: TG) |
Trường hợp anh Nguyễn Ngọc An, 22 tuổi thì bi đát hơn. Chúng tôi gặp An khi anh đang nằm dài đọc báo tại phòng trọ trên đường Phan Văn Hớn (Quận 12). An là công nhân may bị mất việc từ trước Tết. Sau Tết, An vẫn quyết tâm rời quê ở Quảng Nam vào TPHCM tìm việc. Chưa có việc làm, ngoài giờ đi tìm việc, An chỉ biết nằm nhà. Phòng trọ của An có 5 người, tuy là Chủ nhật nhưng 3 bạn của An vẫn đi tìm việc từ 8h sáng. Cả phòng chỉ một người may mắn còn việc.
An tâm sự: “Em chỉ còn một ít tiền, hy vọng mọi người sẽ tìm được việc làm, nếu không em bị rắc rối to. Em và các bạn đã bàn nhau, nếu không tìm được việc ở TPHCM, bọn em sẽ tìm ở Bình Dương. Nếu vẫn không có việc sẽ quay về TPHCM đụng việc gì làm việc nấy, miễn sao đủ tiền sống cho qua cảnh này là được”. Con đường tìm việc của An ở Bình Dương xem ra cũng rất khó khăn vì ở đó, nhiều công nhân cũng đang trong cảnh tương tự.
Tại trạm xe buýt trên đường Cộng Hòa thuộc quận Tân Phú, Thu và Liễu khệ nệ với valy, giỏ xách chờ xe buýt ra bến xe Miền Đông. Cả hai cô gái đều mảnh dẻ và xanh xao. Liễu nói, cô và Thu là đồng hương Bình Định, cùng đến TPHCM làm công nhân nhưng sau Tết không được nhận lại, giờ cả hai đang trở về quê cũ. “Chúng em không tìm được việc ở các xí nghiệp lớn. Cũng có một vài chỗ may tư nhân trả lương khoán sản phẩm, nhưng hàng ít quá nên lương không đủ trang trải tiền phòng và sinh hoạt ăn uống”, giọng Liễu buồn buồn. Thu đứng bên cạnh tiếp lời bạn: “Chúng em về thôi, chưa biết có vào nữa không nhưng trước mắt là chúng em không ở thêm được nữa”.
Công nhân sẽ làm gì?
Hoàn cảnh khó khăn của Trung, An, Thu và Liễu không phải là cá biệt. Hàng ngàn công nhân khác đang lâm vào tình cảnh tương tự tại các khu công nghiệp và khu vực sản xuất tư nhân trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Long An... Theo khảo sát mới nhất mà Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM vừa công bố, TPHCM đang đối mặt với nguy cơ có tới 38 doanh nghiệp khó khăn kéo theo hơn 16.600 lao động mất việc làm. Số lao động đang có nguy cơ mất việc cộng lao động đã mất việc và lao động mới từ các tỉnh tiếp tục đổ về đang khiến vấn đề việc làm của TP bức xúc hơn bao giờ hết.
Để giải tỏa phần nào áp lực của nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội đã đề nghị các trung tâm giới thiệu việc làm tăng cường hỗ trợ, giải quyết các trường hợp có nguy cơ mất việc. Theo ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở, ngoài 8 trung tâm giới thiệu việc làm, Sở còn “huy động” 14 trung tâm dạy nghề và 30 doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm vào cuộc.
Tuy nhiên, chưa thể trông chờ nhiều vào giải pháp trên, bởi vấn đề chính vẫn là khả năng thu nạp công nhân của các doanh nghiệp.
Theo Giadinh.net