Văcxin nhập ngoại vừa thiếu vừa đắt
Các Website khác - 23/03/2005

Phần lớn các văcxin phòng bệnh lưu hành ở Việt Nam hiện nay là hàng ngoại, giá rất cao. Mặt khác, các công ty dược chỉ nhập vào một lượng vừa phải để có thể bán hết nên mỗi khi có dịch, tình trạng khan hiếm văcxin lại xảy ra.

Khoảng đầu năm 2002, TP HCM lên cơn sốt vì thiếu văcxin DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Người dân chạy đôn chạy đáo tìm những điểm tiêm dịch vụ; các nhà chức trách cũng cuống lên tìm nguồn văcxin để nhập. Phải đến mấy tháng sau, vấn đề mới được giải quyết. Năm ngoái, khi dịch cúm bùng phát, người dân TP HCM và Hà Nội đổ xô đi tiêm phòng, gây khan hiếm văcxin vì các công ty vẫn chỉ nhập mặt hàng này với số lượng ít, như mọi năm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng Viện Paster TP HCM, cho biết, thành phố đang thiếu văcxin phòng bệnh rubella - loại sinh phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được. Nhu cầu tiêm văcxin này tăng cao từ đầu năm nay khi dịch bệnh rubella bùng phát. Có những ngày, Trung tâm Y tế huyện Củ Chi nhận được hơn 500 lời đề nghị tiêm văcxin rubella. Vì vậy, nguồn dự trữ hiện đã cạn kiệt. Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, cần đưa văcxin rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng vì căn bệnh này phát triển mạnh ở nhiều địa phương từ hơn 1 năm nay (khoảng một nửa số ca sốt phát ban được điều tra trong năm 2004 đã được khẳng định là mắc rubella). Tuy nhiên, điều này sẽ chưa thể thực hiện vì không đủ văcxin.

Bà Tiến cho rằng, thói quen nước đến chân mới nhảy của người dân là một phần nguyên nhân gây thiếu văcxin khi có dịch. Nhưng lỗi không hoàn toàn ở họ, vì các văcxin nhập ngoại hiện quá đắt. Giá một mũi văcxin phòng rubella nhập từ Mỹ, Pháp hoặc Bỉ là 120.000-150.000 đồng. Giá các loại văcxin ngoại khác cũng tương tự, có loại gần 400.000 đồng/mũi. Nếu tiêm đủ cho cả nhà, mỗi gia đình phải mất gần 1 triệu đồng. Với mức giá này, các gia đình trung lưu ở thành phố lớn còn phải "suy nghĩ", chưa nói đến những người sống ở miền núi, nông thôn.

Cũng vì văcxin nhập ngoại giá quá cao nên với một số loại bệnh nguy hiểm như tả, thương hàn, sởi..., Việt Nam chỉ có thể tiêm phòng cho những đối tượng nguy cơ cao. Bác sĩ Hoàng Văn Tuấn thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, tuy bệnh sởi hiện đã được khống chế tốt, nhưng trong những năm tới, Việt Nam có thể xảy ra dịch sởi ở lứa tuổi học sinh phổ thông (12-18 tuổi) vì đây là những người không được tiêm chủng. Hiện chưa có đủ văcxin sởi để tiêm cho họ nên cách tốt nhất để tránh nguy cơ trên vẫn là tăng cường giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh.

"Tại sao chúng ta không đầu tư thêm một nhà máy sản xuất văcxin ở khu vực phía Nam và đầu tư sản xuất nhiều loại văcxin mới?" - bà Kim Tiến bức xúc - "Việt Nam có hơn 80 triệu dân, dịch bệnh xảy ra thường xuyên nhưng cả nước hiện chỉ có 2 điểm sản xuất văcxin ở Nha Trang và Hà Nội, như vậy là quá ít. Trong khi đó, Nhật Bản ít dân, ít bệnh truyền nhiễm hơn mà có đến vài chục điểm sản xuất". Theo bà Tiến, việc lập nhà máy và đầu tư sản xuất văcxin mới trong nước là cực kỳ cần thiết vì văcxin cũng như dược phẩm, nếu không chủ động cung ứng ngay thì giá cả sẽ ngày càng “leo thang” và Việt Nam lại lâm vào tình trạng phụ thuộc vào các hãng dược ngoại. Cách nhanh nhất để sản xuất được các loại văcxin mà chúng ta đang phải nhập là mua dây chuyền công nghệ nước ngoài về lắp đặt tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia về vệ sinh dịch tễ, mở rộng sản xuất văcxin phải đi đôi với việc nâng cấp hệ thống bảo quản. Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thừa nhận, hiện nay hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản văcxin ở Việt Nam rất lạc hậu, phần lớn đã sử dụng từ mười mấy năm, thậm chí vài chục năm. Kho lạnh của Viện Pasteur TP HCM phải trữ văcxin cho cả vùng Tây Nguyên nên luôn quá tải. Tại miền núi, việc bảo quản văcxin càng kém. Phần lớn tủ lạnh, tủ đá, hòm lạnh và phích văcxin đã quá cũ. Có những xã được cung cấp tủ lạnh mới nhưng không dùng vì xã không đủ trả tiền điện. Vì vậy, nguy cơ xảy ra tai biến do tiêm phải văcxin biến chất là rất cao.

Thanh Nhàn