![]() |
Hàng rong trước cổng trường thực sự là hiểm họa đối với học sinh |
Với sự nỗ lực của ngành giáo dục và các cơ quan chức năng, hai năm trở lại đây, nạn bán hàng rong trước cổng các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được xóa. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại các trường THCS và THPT khác của Hà Nội, vấn đề này vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.
Mới hơn 11h00 trưa (còn hơn nửa tiếng nữa giờ học cuối cùng mới kết thúc), các dãy hàng quán nằm san sát bên cổng Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đã hoạt động hết công suất. Từng nhóm, từng nhóm các cô cậu học sinh mặc đồng phục ngồi chật kín hai bên vỉa hè khiến cho lối rẽ vào trường tắc nghẽn vì không còn chỗ cho người đi bộ. Chọn một chỗ ngồi chật chội ở góc quán có khá đông học sinh vào ăn, chúng tôi gọi một đĩa khoai tây và một đĩa nem chua rán ("đặc sản" của “nhà hàng” này và cũng là thứ đồ ăn khoái khẩu của các cô cậu học sinh) để quan sát những thứ đồ ăn ở đây. Nhìn vào 3 chiếc xô nhựa đựng thứ chè Singapore "dỏm" có cái tên ngồ ngộ Bobo chacha, đang được các cô cậu tuổi ô mai yêu thích, chúng tôi không khỏi hãi hùng. Một chiếc xô đựng chè đỗ đen đặc, một chiếc đựng một thứ nước trắng đục, còn một chiếc đựng hỗn hợp thứ hoa quả đang chảy nước. Cả ba chiếc xô đều cáu bẩn. Phía trên những chiếc xô này là những chiếc hộp thủy tinh đựng phẩm màu hóa chất chứ không phải là phẩm màu thực phẩm... Thi thoảng, cô chủ quán lại lấy từ dưới đất một chiếc chai đen sì đổ những thứ nước phẩm hồng, đỏ, xanh vào những chiếc lọ thủy tinh.
![]() |
Xì xụp ăn uống sau mỗi giờ tan học... |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Đối với học sinh tiểu học, phần lớn vẫn được bố mẹ đưa đón, do đó tình trạng các hàng quán bán rong trước các cổng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được xóa trắng. Ở các trường THCS mà chúng tôi có dịp khảo sát có vẻ như cũng rất "yên ắng" trong giờ học, nhưng khi tiếng trống trường kết thúc giờ học vừa vang lên thì ngoài cổng trường đã chật kín các hàng quán bán rong và cả tiếng kêu bim bim của thứ kem rẻ tiền giả kem Thủy Tạ. Ở các cổng trường THPT, các hàng quán bán rong không nhiều, nhưng ở một vài trường còn "mọc" ra một hệ thống "vệ tinh" các hàng quán. Những cửa hàng này bán tất cả các món ăn khoái khẩu của các cô cậu học sinh từ dứa dầm, nem chua, nộm, chè, miến, phở, đến cà phê... Giá cả ở đây không hề rẻ nhưng lúc nào cũng đông học sinh vào ăn. Một số học sinh cho biết: trung bình mỗi em đi học đều có 10.000 đến 20.000 đồng trong túi, không ít bạn được bố mẹ cho hàng trăm nghìn đồng để... ăn quà. Điều đó cũng dễ hiểu vì sao có những cửa hàng như thế này nuôi sống được cả gia đình nhờ vào mấy quả cóc, cốc chè của các cô học sinh mới lớn.
Hai năm gần đây, cùng với việc phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy lùi các hàng quán bán trước cổng trường, nhiều trường tiểu học, THCS và PTTH tổ chức mở căn-tin trong trường để phục vụ những em có nhu cầu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều em cho biết không thích ăn trong trường vì không có những món ăn các em ưa thích, giá cả không rẻ hơn ở ngoài, lý do cơ bản nhất hấp dẫn học sinh đổ ra các hàng quán ngoài cổng trường chỉ vì ra ngoài ăn... "sành điệu" hơn.
Theo ông Lê Quang Giao - phụ trách y tế dự phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - ngành giáo dục không thể "kiểm soát" được vệ sinh thực phẩm các hàng quán ngoài cổng trường vì nằm ngoài tầm với của ngành. Còn ông Phương Văn Như - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì cho biết: Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về tiêu chuẩn cơ sở đạt vệ sinh an toàn thức ăn đường phố, nhưng ngành y tế không có quyền đình chỉ hay xử phạt những cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, mà trách nhiệm thuộc về UBND các phường, xã. Về lý thì như vậy, nhưng thiết nghĩ ngành giáo dục, ngành y tế và UBND phường có trường đóng trên địa bàn rất nên cùng ngồi lại với nhau để tìm hiểu thực trạng ở các hàng quán, xử lý nghiêm những hàng quán không đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Thu Hồng
▪ Sô-cô-la màu sậm tốt hơn màu trắng (23/03/2005)
▪ Thâm da sau vết thương (22/03/2005)
▪ Phình bóc tách động mạch chủ - bệnh dễ gây chết người (22/03/2005)
▪ Sẽ cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi (22/03/2005)
▪ Bệnh nhân ung thư thường suy dinh dưỡng nặng (22/03/2005)
▪ Kính áp tròng mới hạn chế viêm giác mạc (22/03/2005)
▪ Tìm thấy protein phát triển ung thư da (22/03/2005)
▪ Bệnh lao chưa dễ chống (22/03/2005)
▪ Chữa cảm và cúm bằng thảo dược (21/03/2005)
▪ Tại sao nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu? (21/03/2005)