Muốn dập dịch rubella, nỗ lực của doanh nghiệp là chính
Các Website khác - 21/03/2005
Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM
Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, dịch rubella bùng phát là do doanh nghiệp không cảnh giác. Sở sẽ tăng cường biện pháp truyền thông, cách ly triệt để với ca bệnh. Các doanh nghiệp phải đồng tình tham gia chuỗi dập dịch rubella.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch rubella hiện nay?

- Thời gian gần đây, thông tin báo chí phản ánh dịch rubella bùng phát lại, nhưng thực chất chỉ là kéo dài dây dưa một vài ca mỗi ngày. Các biện pháp vừa qua của y tế nhằm khống chế dịch bệnh lan rộng chưa đủ sức dập tắt dịch. Nguyên nhân còn do hoàn cảnh sống của người công nhân, đặc biệt là công nhân nhập cư làm việc cho các công ty. Họ ở rải rác nhiều nơi trong điều kiện hết sức chật hẹp. Trong khi bệnh này dễ lây truyền qua tiếp xúc, sinh hoạt bình thường.

- Vì lý do gì mà ngành y tế không triển khai các biện pháp "mạnh" ngay từ đầu, thưa ông?

- Tháng 11, 12/2004 là thời kỳ cận Tết Nguyên đán. Các quận, huyện trong đó có Củ Chi phải lo đối phó với cúm gia cầm, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi Đội y tế dự phòng chỉ có mấy người. Áp lực công việc là rất lớn.

Mặt khác, bệnh khởi phát chỉ có vài ca trong Công ty Samyang. Doanh nghiệp không báo cáo, phát hiện kịp thời mà mất cảnh giác, tự xử lý theo cách cho là an toàn nhất. Đến lúc lên tới vài chục ca, hằng trăm ca mới báo cho y tế. Lúc đó, dịch đã trở thành vấn đề xã hội, sức khoẻ cộng đồng chứ không còn của riêng doanh nghiệp và ngành y tế nữa.

- Vậy theo ông, cần có biện pháp cụ thể nào ngăn chặn dịch lây lan trong công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Củ Chi?

- Chủ doanh nghiệp phải thực hiện triệt để yêu cầu cách ly. Thực tế ở Công ty Samyang cho thấy, nếu cách ly tốt vài ca ban đầu đã không để lây lan cho hằng trăm người như vậy. Lẽ ra doanh nghiệp không nên để công nhân nhiễm bệnh về nơi cư ngụ của mình với điều kiện sống chật hẹp (như 1 m2/người) mà nên cách ly bệnh nhân ngay tại trạm y tế cơ quan. Nếu bệnh nhân đông, có thể thiết lập tạm thời khu cách ly để tổ chức chăm sóc công nhân tập trung, có cán bộ y tế theo dõi. Đơn vị nào có điều kiện thì cần phải tiêm ngừa văcxin sớm cho lao động của mình.

Trên toàn địa bàn huyện Củ Chi, chúng tôi khuyến khích các chị em trong tuổi sinh đẻ (đã có gia đình hoặc sắp có thai) đi tiêm chủng văcxin rubella. Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ phát hành tờ rơi với nội dung khuyến cáo người dân trong trường hợp không cần thiết đừng nên tiếp xúc người bệnh. Nếu có, phải đứng cách xa 1,5-2 m, giảm lây qua không khí; đeo khẩu trang, găng tay, vệ sinh vô trùng... Một người khi có dấu hiệu sốt, kết hợp các yếu tố dịch tễ như sống trong vùng dịch, có tiếp xúc các ca bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và cách ly.

Các quận, huyện khác cũng phải thấy được bài học kinh nghiệm từ huyện Củ Chi để đối phó với rubella nếu xảy ra.

- Hiện nay đã phát hiện gần 60 phụ nữ mang thai nhiễm virus rubella, ngành y tế thành phố làm gì với những ca bệnh này?

- Trung tâm y tế Củ Chi sẽ phối hợp Bệnh viện Từ Dũ, Viện Pasteur TP HCM hỗ trợ chẩn đoán chắc chắn, sau đó chăm sóc, theo dõi lâu dài và khám thai đều đặn.

- Ông có nghĩ đến việc áp dụng tiêm ngừa văcxin cho những chị em trong tuổi sinh đẻ để chủ động ngăn ngừa lây nhiễm?

- Chúng tôi không có điều kiện để triển khai chương trình tiêm ngừa cho những phụ nữ có nguy cơ. Mức độ dịch như hiện nay vẫn còn đủ sức chặn đường lây và dập tắt. Trong trường hợp dịch bùng phát mức độ nghiêm trọng, dữ dội hơn thì mới cần chủng ngừa văcxin diện rộng.

- Còn đối với phía doanh nghiệp như Samyang, Sở sẽ có biện pháp gì?

- Sở Y tế sẽ chỉ đạo buộc doanh nghiệp phải thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch rubella, vì lợi ích của chính họ. Uỷ ban Nhân dân thành phố cũng phải vào cuộc.

Lê Nhàn thực hiện