Khuẩn đường ruột lẩn trốn thế nào?
Các Website khác - 21/03/2005
Vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa.

Khuẩn Bacteroides "định cư" phổ biến trong đường ruột có thể qua mặt hệ miễn dịch bằng cách ngụy trang thành chính tế bào ruột.

Khuẩn Bacteroides có khả năng tự gói mình trong các phân tử đường fucoza - loại phân tử tập trung trên bề mặt của các tế bào biểu mô ruột.

Theo các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard, Mỹ, dạng nguỵ trang của khuẩn Bacteroides giúp giải thích vì sao cơ thể người có thể bỏ qua hàng tỷ vi khuẩn bám trong đường ruột mà không hề có phản ứng miễn dịch.

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy khuẩn Bacteroides còn có thể kích thích các tế bào biểu mô ruột sản sinh phân tử fucoza. Giờ đây, người ta còn phát hiện thêm một mắt xích khác trong quan hệ của Bacteroides với tế bào ruột, đó là công đoạn liên kết và lợi dụng fucoza để che mắt hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, sự có mặt của khuẩn Bacteroide đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, trưởng nhóm nghiên cứu Laurie Comstock cho biết. Chúng giúp phân giải thức ăn và cung cấp một số vitamin và dưỡng chất quan trọng mà cơ thể người không thể tự sản xuất.

Cho đến nay, kiến thức của con người về các loài vi khuẩn sống trong đường ruột vẫn còn rất hạn chế, ước tính mới khoảng 20-30% được nhận dạng.

Mỹ Linh (theo BBC)