![]() |
Tình trạng phổi giảm sản xuất hiện từ thời kỳ bào thai. |
Phổi giảm sản là một hiện tượng phổi ngừng phát triển trong những tuần đầu thời kỳ bào thai. Những người mắc bệnh này không chỉ gặp khó khăn về hô hấp mà còn kém phát triển về sinh dục.
Thời kỳ bào thai, phổi phát triển như một cái cây từ từ nảy lộc, đâm chồi, lớn dần lên. Từ tuần lễ thứ 5 đến tuần thứ 36, nó phát triển các nhánh, tiểu phế quản và các túi phế nang. Sau tiếng khóc chào đời, các phế nang như các nụ nở ra hoa, hoàn chỉnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ 30 triệu phế nang lúc sinh, con số này sẽ tăng gấp 10 lần khi lên tám tuổi và đến khi trưởng thành, mỗi người có 600-700 triệu phế nang.
Khi có sự loạn dưỡng ở một thời điểm nào đó trong bào thai, phổi có thể dừng phát triển và gây nên những dị tật bẩm sinh của bộ máy hô hấp: kích thước các thùy giảm, các nhánh phế quản và số lượng phế nang giảm, các tuyến tiết chất nhày phát triển không hoàn chỉnh. Về mặt giải phẫu, các rối loạn phổi bẩm sinh này có thể chia làm 3 loại: phổi vô sinh (không có khí quản, động mạch phổi và nhu mô phổi), phổi bất sản (chỉ có một mỏm cụt phế quản, không có nhu mô và động mạch phổi) và phổi giảm sản (có phát triển các nhánh phế quản, nhưng một số nhánh không phân thùy, nhu mô phổi thô sơ). Trong đó, chỉ những trẻ mắc phổi giảm sản mới có hy vọng sống được đến tuổi trưởng thành.
Người mắc phổi giảm sản có lồng ngực biến dạng, teo hẹp, cử động ít, vẹo về bên bệnh; có tiếng thổi khí quản và thường bị các đợt nhiễm khuẩn như viêm phế quản ổ mủ. Bệnh nhân có thể có các dị tật bẩm sinh ở cơ quan khác như: di tật ở động mạch phế quản gây ho ra máu, bệnh tim bẩm sinh, rò thực quản - khí quản, bộ phận sinh dục kém phát triển. Bệnh nhân nữ thường không có kinh nguyệt, nam thường có bộ phận sinh dục nhi tính.
Hiện chưa có phương pháp điều trị căn nguyên chứng phổi giảm sản. Đối với bên phổi lành, phải tập thở nhiều nhằm tăng chức năng hô hấp. Cần phòng và điều trị nội khoa chứng phổi bội nhiễm tái đi, tái lại nhiều lần. Với các trường hợp hẹp khí phế quản, có thể phẫu thuật, nong tái tạo khí quản, đặt ống nội khí quản, hoặc chiếu tia laser cắt các van niêm mạc bằng nội soi.
TS Đào Kỳ Hưng, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Răng miệng mẹ bẩn con dễ sinh non (24/03/2005)
▪ 6 bài thuốc từ cây rau sam (24/03/2005)
▪ Rối loạn ám sợ - chứng bệnh ai cũng có thể mắc (24/03/2005)
▪ Bài thuốc từ quả gấc (24/03/2005)
▪ Văcxin nhập ngoại vừa thiếu vừa đắt (23/03/2005)
▪ 4 lời khuyên cho người tiểu không tự chủ (23/03/2005)
▪ Xoa bóp bằng rượu thuốc (23/03/2005)
▪ Báo động lao phổi bùng phát ở châu Á (23/03/2005)
▪ Quả lựu phòng bệnh tim (23/03/2005)
▪ TP HCM 'bó tay' trong quản lý bệnh nhân lao bỏ trị (24/03/2005)