Tâm thần phân liệt khá phổ biến ở hầu hết các nước với tỷ lệ 0,3-1% dân số, thường phát sinh ở lứa tuổi 18-40. Tiên lượng của căn bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể bệnh, cơ địa bệnh nhân, sự can thiệp về y tế...
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên bệnh hiện nay chưa rõ ràng. Người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong. Tình cảm của họ trở nên khô lạnh dần; khả năng làm việc, học tập, duy trì các quan hệ xã hội ngày càng sút kém. Người bệnh thường có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu, không ăn nhập với hoàn cảnh. Cảm xúc của bệnh nhân thường không thích hợp hay cùn mòn. Tuy nhiên, năng lực trí tuệ thường vẫn được duy trì.
Các yếu tố liên quan đến tiên lượng bệnh tâm thần phân liệt bao gồm:
Thể tiến triển của bệnh
Tiên lượng sẽ tốt đối với các thể bệnh tiến triển theo từng giai đoạn và có thuyên giảm giữa các giai đoạn. Ngược lại, thể bệnh tiến triển liên tục hoặc tiến triển từng giai đoạn nhưng càng về sau càng nặng sẽ cho tiên lượng xấu hơn.
Cơ địa của bệnh nhân
Tiên lượng sẽ tốt nếu: bệnh khởi phát muộn (tuổi mắc bệnh càng cao thì tiên lượng càng nhẹ); trước đó có nhân cách thích ứng hòa hợp với môi trường xung quanh; có sang chấn tâm lý, ít hoặc không có yếu tố di truyền. Tình hình cũng khả quan với những bệnh nhân còn tiếp xúc được, còn quan tâm đến môi trường xung quanh và có phản ứng cảm xúc trước những sự việc đang xảy ra.
Tiên lượng tương đối xấu nếu bệnh phát sinh ở tuổi trẻ, trước đó người bệnh đã có tính cách kín đáo, cô độc, khó tiếp xúc; bệnh phát sinh không có yếu tố bên ngoài (như sang chấn tâm lý) thúc đẩy; yếu tố di truyền nặng và cảm xúc sớm khô lạnh.
Tính chất và đặc điểm của bệnh
Nếu bệnh khởi phát cấp, triệu chứng dương tính (hoang tưởng, ảo giác, kích động...) chiếm ưu thế trong bệnh cảnh lâm sàng thì tiên lượng bệnh tương đối tốt. Ngược lại, nếu bệnh khởi phát từ từ, triệu chứng âm tính (thiếu động cơ, giảm sút ý chí, khó thâm nhập vào nội tâm...) chiếm ưu thế trong bệnh cảnh thì tiên lượng tương đối xấu.
Can thiệp về y tế
Nếu bệnh được phát hiện, can thiệp sớm, điều trị và theo dõi tích cực, điều trị duy trì tốt thì tiên lượng tương đối tốt. Nếu phát hiện bệnh muộn, điều trị không tích cực và thiếu sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng, có nhiều stress phối hợp thì tiên lượng tương đối xấu.
Do vậy, để việc điều trị có hiệu quả, phục hồi chức năng tốt, giúp bệnh nhân tái hòa nhập cuộc sống tốt, nên tăng cường tuyên truyền kiến thức về bệnh tâm thần phân liệt cho cộng đồng để phát hiện và can thiệp sớm.
BS Hoàng Nam, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Viêm mũi cấp tính hay gặp lúc chuyển mùa (01/04/2005)
▪ Insulin hít sẽ thay thế insulin tiêm (31/03/2005)
▪ Bị nhỏ xương (01/04/2005)
▪ Bí ngô, vị thuốc quý (01/04/2005)
▪ Cẩn thận khi ăn kiêng (01/04/2005)
▪ Tìm thấy men gây viêm khớp (31/03/2005)
▪ Xuất hiện bệnh viêm phế quản lạ (31/03/2005)
▪ Chữa bệnh bằng bí đao (01/04/2005)
▪ Khống chế dịch cúm A - ngành y tế đang bị động (31/03/2005)
▪ 7 bài thuốc từ cây bưởi (31/03/2005)