Các bệnh nhân nhiễm H5N1 không ngừng xuất hiện từ giữa tháng 12/2004 và đến nay chưa có dấu hiệu chứng tỏ dịch sẽ kết thúc. Theo chuyên gia y tế, kiểm soát cúm ở gia cầm đang kém hiệu quả, kéo theo nguy cơ bùng nổ dịch cúm A trên người.
Trong 3 tháng rưỡi qua, Việt Nam đã phát hiện 34 bệnh nhân nhiễm H5N1, 15 người trong số đó đã tử vong. Bệnh đã có mặt ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Có những thời điểm tưởng như dịch đã lui sau vài tuần vắng bóng, nhưng thỉnh thoảng lại có một vài bệnh nhân được phát hiện. Tất cả đều có liên quan đến dịch cúm trên gia cầm.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, ngành y tế đang bị động trong việc khống chế dịch cúm A, vì căn bệnh này luôn đi kèm với cúm gia cầm, vốn chưa được giám sát chặt chẽ. Rất nhiều trường hợp có gà vịt chết ở địa phương nhưng cơ quan chức năng không để ý, chỉ đến khi có người ốm thì mới điều tra ra. Chẳng hạn, tại xã Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, hiện tượng gia cầm chết đã có từ trước Tết. Nhưng phải đến 10 ngày sau khi có một cháu bé nhiễm H5N1 nhập viện, lãnh đạo tỉnh mới biết tin nhờ đọc báo trung ương.
Theo ông Hiển, cần phải xem lại thế nào là có dịch cúm gia cầm và cần kiểm soát. Hiện nay gia cầm phải chết hàng loạt mới được coi là có dịch, trong khi chỉ một vài con ốm là đã gây nguy hiểm cho người, nhưng những trường hợp này lại dễ bị bỏ qua. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì không thể biết đến lúc nào mới ngăn chặn được dịch bệnh.
Ông Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong chuyến công tác vào Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, ông đã quan sát và thu thập ý kiến của những người làm công tác chống dịch. Họ kết luận, với tình hình như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh tái đi tái lại nhiều lần là không thể tránh khỏi trong tương lai. Nguy cơ này xuất phát từ việc người dân lùa gia cầm ốm từ tỉnh này sang tỉnh khác để phân hủy khi mức đền bù ở địa phương bạn cao hơn; từ tình trạng nuôi ấp các lứa gia cầm mới khi những đe dọa từ nguồn lây cũ chưa hết... Mặc dù kết quả xét nghiệm các đàn thủy cầm cho thấy, gần một nửa số mẫu bệnh phẩm có H5N1 nhưng bà con vẫn tiếc rẻ thịt ăn khi có gà vịt ốm chết. Theo ông Liêm, ngoài các hạn chế về chính sách và phương pháp giám sát, sự tuyên truyền kém hiệu quả cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng này: "Tôi cho rằng nếu người dân có đủ thông tin, hiểu biết về bệnh, họ chắc chắn sẽ sợ và không làm thế nữa".
"Kiểm soát cúm gia cầm là điều quan trọng nhất để ngăn chặn dịch cúm A trên người" - ông Trịnh Quân Huấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS khẳng định - "Cái khó nhất bây giờ là giám sát gia cầm ốm, nhất là những trường hợp lẻ tẻ vài con. Ở Thái Lan người ta làm việc này rất tốt nhờ tổ chức được khoảng 1.000 người giám sát tình nguyện ở từng thôn xóm. Khi có gia cầm bệnh, họ phát hiện ngay và báo cho chính quyền. Ở Việt Nam, từ 1/4 tới, cả nước sẽ bắt đầu chiến dịch tổng vệ sinh phòng cúm, từ làm sạch chuồng trại đến môi trường xung quanh".
Ông Huấn cũng cho biết, cả nước hiện có 8 bệnh nhân H5N1 đang điều trị: 1 ở Bệnh viện Trung ương Huế, 2 ở Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và 5 ở Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Trong đó, gia đình 5 bệnh nhân ở Hải Phòng hồi phục rất tốt, nếu không có gì thay đổi thì sẽ được xuất viện sau 1 tuần nữa. Còn anh Nguyễn Sỹ Tuân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và được rút ống thở một bên, chuẩn bị rút bên còn lại. Chi phí dành cho bệnh nhân này sau hơn 1 tháng điều trị đã lên tới gần 100 triệu đồng.
Thanh Nhàn
▪ Hơn nửa tỉ USD chống rụng tóc (30/03/2005)
▪ Châm cứu có thể chữa cao huyết áp (30/03/2005)
▪ Châm cứu giúp hạ huyết áp? (31/03/2005)
▪ Ngưu bàng làm thuốc (31/03/2005)
▪ Chữa bệnh bằng bí đao (31/03/2005)
▪ Phát hiện sỏi thận - tiết niệu (31/03/2005)
▪ Hạn chế của việc giãn gân cốt trước thi đấu (30/03/2005)
▪ Gặp hạn vì chơi thể thao không đúng cách (30/03/2005)
▪ Chứng kiến bạo lực gây hại cho sức khỏe trẻ em (30/03/2005)
▪ Tóc - nguồn tế bào gốc (30/03/2005)