Mùa xuân này, có dịp nói chuyện với cựu cảnh sát trưởng, thấy ông vẫn khỏe và vui khi kể về những chiến công một thời.
Cậu bé của khu phố nghèo
"Bố tôi quê ở Nam Ðịnh, mẹ tôi quê Hà Nội. Bố mẹ tôi sang Pháp từ năm 1914. Tôi sinh ngày hai tháng tư năm 1933 trong khu phố nghèo ở thành phố cảng Marseille, miền nam nước Pháp", nguyên cảnh sát trưởng Marseille Nguyễn Văn Lộc bắt đầu câu chuyện như thế về cuộc đời mình.
Bố của Nguyễn Văn Lộc là thủy thủ. Ông thường phải vắng nhà và lênh đênh trên các chuyến tàu vượt đại dương của các hãng tàu buôn lớn ở Marseille như Sác-lơ Lơ-boóc-nhơ, Pha-brơ, Phrây-xi-xê. Sau những chuyến đi xa tới Viễn Ðông, Ấn Ðộ, Madagascar, châu Mỹ, khi trở về cậu bé Lộc lại được bố tặng những món quà: vỏ sò, vỏ ốc sặc sỡ lạ mắt của châu Phi, một chú khỉ con hay nghịch ngợm, chiếc cung của người da đỏ ở Nam Mỹ với những mũi tên nhọn hoắt...
Cậu bé Nguyễn Văn Lộc lớn lên trong không khí sôi động và náo nhiệt của thành phố cảng nổi tiếng sầm uất nhưng cũng rất mất trật tự an ninh. Marseille có nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp như lâu đài Ðíp, Pô-mê-guy và Ra-tông-nô nằm sát bờ biển soi bóng xuống nước Ðịa Trung Hải trong xanh.
Ðại diện của công lý
Tốt nghiệp trung học, Nguyễn Văn Lộc xung phong vào lực lượng cảnh sát Marseille. Sau ba năm thử thách trong chiến đấu, Nguyễn Văn Lộc theo khóa học nghiệp vụ ở trường an ninh Xanh Xuy Mông Ðo ở Lyon, anh lại phục vụ cho ngành cảnh sát ở Marseille.
Sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Văn Lộc đến vào ngày 1-7-1972, khi anh được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng quận 7 ở thành phố Marseille. Sau khi nhậm chức, chỉ trong thời gian ngắn, tình hình mất an ninh ở Marseille giảm hẳn. Các băng đảng tội phạm trộm cắp, trấn lột, mua bán ma tuý bị bắt gọn. Cuộc sống thanh bình trở lại với người dân thành phố cảng.
Lúc này, các sự kiện bắt cóc con tin đang rộ lên. Vào tháng 10-1972, cảnh sát trưởng thành phố Marseille Éc-ken-rốt yêu cầu cảnh sát Nguyễn Văn Lộc thành lập một nhóm giải cứu đặc biệt chuyên tham gia can thiệp các vụ khủng bố để cứu thoát con tin. 15 cảnh sát có tố chất mạnh khỏe, thông minh, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy được lựa chọn do Nguyễn Văn Lộc làm đội trưởng. Lực lượng tinh nhuệ này được gọi là Lực lượng can thiệp đặc biệt của cảnh sát quốc gia (viết tắt là GIPN). Kể từ đây, GIPN với người đội trưởng can đảm Nguyễn Văn Lộc đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, trở thành nỗi kinh hoàng của bọn tội phạm, khủng bố.
Cùng với GIPN, Nguyễn Văn Lộc tham gia tiêu diệt rất nhiều bọn bắt cóc và khủng bố, giải cứu được nhiều con tin. Ông có mặt ở Ni-xơ, Va-lăng-xơ, A-vi-nhông, Ca-en xuýt Me, ở những nơi nào là điểm nóng nhất cần thiết sự có mặt của các cảnh sát đặc biệt. Nhiệm vụ chính của Nguyễn Văn Lộc là giải cứu con tin. Phương pháp của ông thường là đối thoại với bọn bắt cóc và khủng bố. Nếu cần, chính ông sẽ thay thế các con tin vô tội để làm vật làm tin. Trong những cuộc đối mặt với bọn tội phạm và khủng bố, trước sự sống và cái chết mong manh, Nguyễn Văn Lộc thường tâm niệm rằng mình làm việc vì nghĩa cả và công lý. Do đó, ông luôn vững tin vào thành công.
Tiếng tăm của đội trưởng đội đặc nhiệm Nguyễn Văn Lộc ngày càng nổi tiếng. Ông lại được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các phái đoàn quan trọng, của các nguyên thủ quốc gia như chuyến viếng thăm của Thủ tướng A-ri-en Sa-rôn của Israel, Thủ tướng Anh Thát-chơ, các chuyến công tác của Tổng thống Mít-tơ-răng. Ðặc biệt, chuyến thăm Marseille của thẩm phán Italy Giô-va-ni Phan-côn tháng 10 năm 1986 là một sự kiện còn lưu lại trong Nguyễn Văn Lộc nhiều kỷ niệm khó phai.
G.Phan-côn là thẩm phán nổi tiếng thế giới bởi cuộc chiến đấu mà ông theo đuổi chống lại cái ác. Ông được mệnh danh là "người chiến thắng maphia". Hình tượng thẩm phán G.Phan-côn đã được đưa lên phim ảnh. Trong bộ phim dài tập Bạch tuộc của Italy ra mắt khán giả thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, hình ảnh thanh tra Ca-ta-nhi kiên cường chống lại bè đảng maphia khiến hàng triệu triệu người trên khắp thế giới xúc động. Mục đích chuyến thăm Marseille của thẩm phán G.Phan-côn không ngoài việc hợp tác giữa Pháp và Italy trong cuộc đấu tranh chống lại thế giới ngầm maphia. Chính vì vậy, G.Phan-côn lại càng trở thành mục tiêu tiến công của maphia hơn bao giờ hết. Ðể bảo vệ an toàn cho G.Phan-côn, Nguyễn Văn Lộc và đội đặc nhiệm phải túc trực ngày đêm, rà soát những đối tượng khả nghi, lên phương án xử lý trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Hàng ngày, G.Phan-côn phải đổi phòng ngủ ở khách sạn.
Cùng với thành công sau hàng trăm lần tham gia giải cứu con tin, chiến đấu chống bọn khủng bố cũng như kết quả tốt đẹp của các đợt bảo vệ các nhân vật quan trọng của đội GIPN, Nguyễn Văn Lộc được vinh dự trao huân chương Bắc Ðẩu bội tinh năm 1987. Tên ông xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí. Có cả cuốn sách viết về cuộc đời ông. Bộ phim về cảnh sát Nguyễn Văn Lộc cũng thu hút rất đông khách. Cậu bé nơi khu phố nghèo năm xưa đã trở thành thần tượng của bao nhiêu người vì lý tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh cho cuộc sống của mọi người.
Giờ đây, người cảnh sát lừng danh Nguyễn Văn Lộc đã bước qua tuổi 70, tuổi của tư duy và hoài niệm. Mong muốn của ông là thăm lại nơi chôn rau cắt rốn của cha mẹ, quê hương của đấng sinh thành đã cho ông cuộc đời, nơi ông làm vinh danh và tự hào mình là người Việt Nam.
|