Quỹ toàn cầu chống AIDS cần có thêm đóng góp
Các Website khác - 03/07/2006

Các quốc gia giàu cố ở châu Âu, Trung Đông và châu Á cần đóng góp thêm tài chính vào quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét khi nguồn quỹ ngày vẫn tiếp tục thiếu hụt trầm trọng. Đó là thông báo của một bộ phận tài chính hôm thứ năm tuần qua.

Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét vốn phụ thuộc trước tiên vào các nguồn đóng góp của các chính phủ. Theo báo cáo của quỹ này thì hiện tại tình hình tài chính của quỹ là không ổn định và đang cần khoảng gần 1 tỉ đô la Mỹ để đáp ứng những cam kết đã có.

Ông Jon Liden, giám đốc truyền thông của Quỹ toàn cầu trong cuộc họp báo ở Johannesburg nhận định: “Lấy được tiền ngay cả của những nước giàu nhất thế giới cũng chẳng phải việc dễ dàng gì. Tính không ổn định của nguồn quỹ chúng ta cho thấy rõ rằng Quỹ toàn cầu chỉ là một thử nghiệm”.

Dịp cuối tuần này Quỹ toàn cầu đã bắt đầu vòng đàm phán với những nhà tài trợ nhân đạo lớn trong cuộc họp tại Durban. Quỹ này cho biết, họ đang đạt được những tiến bộ nhất định trong cuộc chiến chống lại những căn bệnh nguy hiểm nhất của thế giới, trong đó có cả những bước tiến lớn về số người được điều trị thuốc kháng virus và phân phát hàng triệu màn chống muỗi gây sốt rét.

Được thành lập từ bốn năm rưỡi trước đây, Quỹ toàn cầu trở thành một phương tiện tài chính hàng đầu trợ giúp các nỗ lực phòng chống đại dịch thế kỷ HIV/AIDS cũng như bệnh lao và sốt rét. Tới nay Quỹ đã trao 5.4 tỉ đô la Mỹ trong những khoản quỹ tài trợ mà trước hết là tại khu vực tiểu vùng Sahara châu Phi.

Quỹ cho biết họ có những chứng cứ rõ ràng về các chương trình đã được thực hiện, đó là hơn nửa triềun hiện đang dùng thuốc điều trị AIDS và 1.4 triệu người được điều trị chứng lao nhờ ngân sách do quỹ chi trả.

Quỹ toàn cầu cũng đã mua hàng triệu màn chống côn trùng, một giải pháp hiệu quả, rẻ tiền phòng lây nhiễm sốt rét do muỗi gây ra. Mỗi năm, chứng sốt rét đã cướp đi ít nhất một triệu người.

Ông Richard Feachem cho biết: “Những kết quả này cho thấy ở đây mà các nước được cung cấp nguồn lực tài chính cần thiết, ở đó có được những tiến bộ…

Điều đó chứng tỏ nếu có được nguồn lực đầy đủ toàn cầu, chúng ta có thể đẩy lùi được đại dịch”.

Tranh đấu vì tiền

Ngay từ buổi đầu thành lập, Quỹ toàn cầu đã cố gắng thuyết phục những nước giàu có tham gia gây quỹ - cuộc chiến này vẫn tiếp tục bất chấp lời kêu gọi hành động lặp đi lặp lại của những nhóm quốc gia như Nhóm G8, các nước công nghiệp phát triển.

Ông Liden cho biết, riêng Mỹ đã có kế hoạch cứu trợ đại dịch AIDS trị giá nhiều tỉ đô la của họ, Anh cũng đã làm tốt gần như mọi cam kết đặt ra của họ, trong khi đó các quốc gia khác vẫn còn hết sức chậm chạp.

Ông nói: “Liên minh châu Âu nói chung có thể làm nhiều hơn… (và) vùng Trung Đông đang ngồi trên một biển tiền”. Ông lưu ý thêm, những quốc gia này cùng với Nhật Bản và những quốc gia phát triển nhanh ở châu Á sẽ là những nguồn đóng góp mới cho ngân sách quỹ toàn cầu.

Brian Brink, quan chức y tế đứng đầu tại khu khai thác mỏ Anglo American của Nam Phi và là thành viên dự khuyết trong ban điều hành quỹ cho biết, cần có thêm những đóng góp lớn hơn cho nguồn quỹ, đó là sự hợp tác công tư rất rõ ràng.

Ông Brink nói: “Chắc chắn chúng ta đang tìm cách để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia nhiều hơn”.

Ông Brink vốn thường được tín nhiệm vì đã đưa hãng Anglo American trở thành mô hình kiểu mẫu trong số các công ty tham gia phòng chống đại dịch HIV/AIDS.

Đặng Dương theo http://news.yahoo.com