Đâu là chuẩn đào tạo?
Các Website khác - 13/02/2009

 Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ mới đã bắt đầu. Chỉ vài ngày nữa, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức công bố chỉ tiêu tuyển mới của từng trường ĐH, CĐ trong cả nước. Có lẽ không chỉ có những thí sinh sẽ ứng thí năm nay quan tâm mà cả dư luận, đặc biệt là những người quan tâm đến chất lượng giáo dục ĐH, cũng đang chờ đợi những con số này.

Thật ra, số chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường lẽ ra không có gì phải gây sự chú ý - nó được xác định trên những tiêu chí rất rõ ràng, trước hết là tỉ lệ giảng viên/sinh viên quy đổi.

Nhưng trên thực tế, con số này lại vẫn ẩn chứa nhiều bất ngờ nếu so sánh với thực lực của không ít trường ĐH, CĐ. Có những trường ĐH, CĐ không đạt những điều kiện tối thiểu, thậm chí còn chưa có bộ máy khoa phòng, bộ môn, chưa có giảng viên... nhưng vẫn được rộng rãi cho phép tuyển 500-800 chỉ tiêu. Đối với những trường ĐH, CĐ này, dường như chỉ tiêu tuyển sinh được áp dụng theo một tiêu chí khác, khó đo đếm được bao nhiêu cho vừa.

Kết quả đợt thanh tra công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 của Bộ GD-ĐT cho thấy mới chỉ thanh tra 55 trường, đã có hai phần ba số trường sai phạm. Theo đánh giá của thanh tra giáo dục, đó đều là những sai phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Trước đó không lâu, bản báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội về mạng lưới cơ sở đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH, CĐ cũng đánh giá: “So với các tiêu chí và điều kiện thành lập trường trong các quy định hiện hành, một số trường ngoài công lập thành lập mới chưa hội tụ đủ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo, gây tâm lý lo lắng trong SV và xã hội”. Nhận định này được ủy ban đưa ra trên cơ sở đánh giá thực trạng của 154 trường ĐH, CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp từ năm 2005 đến nay.

Vì sao những ngôi trường “ba không” đó (không có giảng viên, không có chương trình, giáo trình đào tạo, không có cơ sở vật chất đủ điều kiện) vẫn được “tin tưởng” chấp thuận vài trăm chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm?

Nếu nhìn vào nhu cầu học tập của người dân và khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay (chỉ tiêu tuyển mới hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 30%), so với những mục tiêu mang tầm quốc gia như tỉ lệ SV/vạn dân, tỉ lệ lao động qua đào tạo..., có thể đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT: chúng ta cần phải có thêm trường ĐH, CĐ, tăng quy mô đào tạo hơn nữa mới có thể đáp ứng được.

Nhưng đứng trước một mùa tuyển sinh mới, Bộ GD-ĐT không thể bỏ qua những khuyến nghị của những người có tâm huyết với giáo dục, thực hiện đúng các cam kết đảm bảo chuẩn chất đào tạo. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải kiên quyết không cho tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí tạm dừng tuyển sinh đối với các trường ĐH, CĐ chưa đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Đồng thời phải có sự rà soát lại quy hoạch mạng lưới và tiêu chí thành lập ĐH, CĐ để đảm bảo việc thành lập trường đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo.

Bởi đúng là chúng ta đang thiếu các trường ĐH, nhưng là thiếu những trường ĐH có chất lượng. Chúng ta đã quá thừa, thừa những trường ĐH chất lượng kém.

Theo Tuoi Tre Online