Cần một “bước ngoặt” phát triển đại học
Các Website khác - 11/02/2009

 Nhân Bộ GD-ĐT đang đưa dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 ra lấy ý kiến, chúng tôi muốn trao đổi cũng ở khía cạnh phát triển liên quan đến một bậc học quan trọng: giáo dục đại học.

Lịch sử của giáo dục đại học trên thế giới cho thấy nó thường được phát triển theo những “bước ngoặt”.

Những “bước ngoặt” này rất đa dạng. Có thể là nhận thức về giải pháp, như phải tổ chức “phân tầng” nền giáo dục (GD) đại học sau những tranh luận dai dẳng về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng khi nó đã trở thành nền GD cho số đông ở các nước phát triển trong những năm 1960-1970.

Cũng có thể là về chính sách, như “giải thoát” bớt ngân sách nhà nước dành cho GD đại học khi trường phái “không đặt gánh nặng tài chính đại học lên vai người đóng thuế” giành được ảnh hưởng quyết định ở Nhật Bản vào những năm 1980. Hoặc như tăng học phí ở các đại học công lập có tuyển chọn sinh viên chặt chẽ khi thống kê cho thấy có đến 72% số sinh viên ở các trường này thuộc lớp 12% dân cư giàu nhất ở Thái Lan, cũng vào những năm 1980. Nói GD đại học VN năm 2009 cần có một “bước ngoặt” trong phát triển là nói theo nghĩa đó.

Nhìn ở góc độ phát triển chung, VN năm 2009, sau hơn 20 năm đổi mới, động lực của phát triển nhờ chuyển sang “cơ chế thị trường” nay gần như đã không còn nữa. Nguồn lực của phát triển chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và lao động nay cũng đã không còn nhiều giá trị. Thiết kế chính sách và quản trị đất nước theo kiểu “dò đá qua sông” cũng đã không còn phù hợp. Do vậy, thiết nghĩ năm 2009 sẽ phải là một năm của sự chuyển tiếp giai đoạn trong phát triển.

Từ đấy, nhìn riêng ở góc độ của GD đại học, trước hết có thể cho rằng nền GD đại học hiện nay không đủ sức để gánh vác sứ mệnh chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự chuyển tiếp đó, khi VN bước vào giai đoạn, mà như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong bài phát biểu đầu năm 2009, giai đoạn của “yếu tố năng suất tổng hợp”, không còn là giai đoạn chủ yếu dựa vào tăng vốn và lao động phổ thông nữa.

Có một vài thông tin rất đáng lưu ý. Năm 2005, theo UNESCO, VN chỉ đạt 32/100 điểm về “Chỉ số đánh giá tổng hợp chất lượng GD và nguồn nhân lực”, thuộc loại yếu kém nhất, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia châu Á được so sánh, kém xa so với Thái Lan và Philippines..., chỉ đứng trên Indonesia. Và UNESCO cũng cảnh báo nước nào có chỉ số này dưới 35 điểm đều có nguy cơ mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.

Tiếp đến, GD đại học VN cũng đã bước sang giai đoạn “đại trà”, tỉ lệ sinh viên trong thanh niên ở độ tuổi đã vượt qua con số 15%, có lẽ nay cũng đã phải có thêm mục tiêu “đại chúng hóa”, chú ý vào việc làm thỏa mãn nhu cầu của xã hội, nghĩa là nhu cầu không chỉ cho doanh nghiệp, cho các tổ chức thuê việc... mà còn cho chính nhu cầu được học đại học của người dân.

Sau nữa, các cơ sở GD đại học VN nay cũng đã phải biết đến lựa chọn chiến lược cạnh tranh, cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với GD đại học của nước ngoài, biết tính đến hiệu quả kinh tế và tài chính, biết tranh thủ thời cơ, biết cân nhắc giữa “chảy máu chất xám” và “thu hút chất xám”..., trong bối cảnh VN đã tham gia WTO, đã có một thị trường lao động toàn cầu, đã có xuất/nhập dịch vụ cung cấp GD đại học... Nhưng đây lại là cái chỗ rất khó cho một nước nghèo, khó như đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” vậy. Sắp đến khó có thể có chuyện đại học VN chi phí cho một sinh viên trong một năm là 300, 500 USD mà có thể nói đến cạnh tranh sòng phẳng về mặt chất lượng, trong khi con số này của các nước khác là 5.000, 10.000 USD và hơn nữa.

Nói GD đại học VN năm 2009 cần có một “bước ngoặt” trong phát triển là xuất phát từ những nhu cầu đó.

Chính trong bối cảnh nói trên, xã hội đang rất mong đợi ở chiến lược phát triển GD 2009-2020 một “bước ngoặt” thật sự trong tư duy, trong nhận định, trong các giải pháp chiến lược... Nhưng sau gần hai tháng đưa dự thảo chiến lược ra công luận, qua hàng chục cuộc hội thảo góp ý, qua hàng trăm ý kiến đã được phát biểu, rõ ràng mong đợi đó từ dự thảo chưa được đáp ứng.

Hơn nữa, khi bước sang thế kỷ 21, GD đại học của nhiều nước khác cũng đã gặp phải những tình thế tương tự và họ cho rằng đây là cơ hội để thay đổi và cải cách. Vì vậy năm 2007 GS Philip G.Altbach, một nhà nghiên cứu GD có tên tuổi của Mỹ, đã viết: ”Giai đoạn này có thể mang lại cơ hội cho những thay đổi và cải cách lớn lao, dù rằng những áp lực của nó có thể nhấn chìm các trường đại học”.

Do đó còn có thể nói năm 2009 GD đại học VN có được một “bước ngoặt” hay không còn là chuyện có khai thác được cơ hội này hay không? 

Theo Tuoi Tre Online