"Work in group" sao cho "pro"?
Các Website khác - 10/02/2009
 Trong quá trình học tập không ít các bộ môn bắt Teen phải thảo luận nhóm, phải lên thuyết trình, và không phải ít nhóm làm việc thiếu hiệu quả. Cách học này lại còn khá mới mẻ với teen mình nữa chứ. Vậy thì làm sao đây?


 1. Vứt đi "cái tôi" ....tổ bố

Đối với trường hợp tự chọn nhóm với nhau thì không ai bàn cãi tới, khi đó các bạn đã chọn lọc kĩ càng nhân nào phù hợp với mình rồi. Nhưng còn những lúc cô phân công nhóm thảo luận thì chắc chắn ít nhiều cũng xảy ra mâu thuẫn do bất đồng quan điểm này nọ. Thế lúc đó chúng mình làm thế nào? Chẳng lẽ ai cũng gân cổ lên cãi tới chừng nào....thắng thì thôi sao? Lớp học lúc đó hẳn sẽ biến thành cái chợ trời chứ chẳng chơi. Vậy thì mỗi chúng mình hãy biết dẹp bỏ đi "cái tôi" kiêu ngạo của bản thân mà biết lắng nghe ý kiến của người khác đi nào. Dĩ nhiên là phải biết chọn lọc và đưa ra câu trả lời tốt nhất hay đề án hiệu quả nhất chứ không phải chỉ biết nghe như một chú "bù nhìn".

2. Đã làm nhóm thì phải nghiêm túc

Nói ra thì có lẽ ai ai cũng biết nhưng không nói thì chắc chắn mọi người....cũng làm lơ. Đó chính là việc thiếu nghiêm túc khi họp nhóm và thảo luận. Làm việc nhóm sẽ chẳng thành công nếu người làm thì nhiều còn người thì cứ chơi chơi ...tới bến, việc đó không những ảnh hưởng đến các bạn khác đang thảo luận mà còn làm cho tiến trình họp diễn ra chậm chạp, giảm hiệu quả. Vì vậy muốn làm việc tốt thì thành viên phải thật nghiêm túc và chú ý đến mạch vấn đề của buổi họp nhóm.
 
Để việc học nhóm diễn ra một cách có hiệu quả, bạn nên hạn chế cái "tôi" của mình. (Ảnh minh họa)
 
3. Lắng nghe là một chiếc chìa khoá

Lắng nghe là một hành động xem chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Chắc chắn trong khi làm việc sẽ có người sao nhãng mà nhìn ngắm hay nghĩ ngợi lung tung, lúc ấy các bạn nhớ là hãy kéo thành viên ấy về với thực tại bằng một cái "chát" hay "bốp" gì đó (nghe hơi bạo lực nhỉ?). Vì thật sự, muốn tiến độ công việc diễn ra nhanh và hiệu quả tốt thì mọi thành viên phải biết lắng nghe ý kiến mọi người một cách chăm chú, nếu có gì thắc mắc thì hỏi hay góp ý tức thời, như thế làm việc sẽ vui hơn mà hiệu quả cũng cao hơn.

4. Giáo viên là một "partner" đáng tin cậy

Thường thì học sinh rất ngại hỏi giáo viên về vấn đề nào khó hiểu hay khúc mắc mà toàn kiếm tụi bạn thọ giáo mà thôi. Nhưng đâu phải lúc nào bạn bè cũng biết những câu cắc cớ mà chúng mình đặt ra, vậy thì chính thầy cô sẽ giúp đỡ tụi mình trong việc thảo luận nhóm tốt hơn, mà có khi thầy cô còn cho những ý kiến vàng mà chẳng đứa nào trong bọn "mò" ra nữa đấy!

5. Lùm xùm "event" ....lên thuyết trình

Bỏ qua hết những vấn đề kể trên, chẳng thèm nói đến hiệu quả công việc đến đâu mà điều quan trọng hơn hết là cử người lên thuyết trình. Có lẽ thời điểm này chính là lúc lớp "xôn xao" hơn cả vì đứa này cứ đùn đấy qua đứa kia, đứa kia lại có nhã ý " nhường" cho đứa nọ. Vì vậy cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là cả nhóm bầu ra người nào ăn nói lưu loát nhất và nhiệt tình nhất và nếu bạn là người "không may" được bầu chọn thì cũng nên phấn khởi làm đi vì điều đó cho thấy bạn được lòng nhiều người lắm đấy.

6. Sổ, viết là vật bất ly thân

Đó như là vũ khí của người chiến sĩ vậy. Nó giúp chúng mình ghi chép, hệ thống bài thảo luận chi tiết, rõ ràng hơn và giúp người thuyết trình thêm tự tin khi cầm lên nói trước lớp.Vì vậy nếu thiếu sổ và viết thì tớ dám chắc rằng khi việc thảo luận trở thành vấn đề hơi bị gay go đấy!

Nói tóm lại, "work in group" luôn là một phương pháp học thật sự hiệu quả và có nhiều lợi ích. Nhưng việc vận dụng nó như thế nào cũng là cả một vấn đề, hy vọng là với vài "chiêu" tớ chỉ trên đây sẽ giúp cho các cậu làm việc nhóm một cách hiệu quả hơn và đạt được điểm số cao vời vợi.
 
Theo Kenh 14