Nhận diện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Báo Tiếng Chuông - 12/12/2017
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, chủ yếu là lao động tự do, trình độ học vấn thấp, không am hiểu pháp luật.
Theo Luật Trẻ em 2016, xâm hại tình dục trẻ em là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em; sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức). 

Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Phòng 6, C45, Bộ Công an cho biết, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường ở nhiều độ tuổi khác nhau, tập trung chủ yếu từ 17 đến 40 tuổi, ngoài ra nhiều vụ đối tượng trên 50 tuổi, cá biệt có một số vụ trên 70 tuổi.

 

Trung tá Khổng Ngọc Oanh thông tin về việc nhận diện tội phạm xâm hại trẻ em. Ảnh Nhật Thy

 

Về nghề nghiệp, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, nghề không ổn định; lười lao động, ham mê rượu chè, đàn đúm, có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn, biến thái. Một số đối tượng thường lợi dụng nghề nghiệp để xâm hại tình dục trẻ em như giáo viên, nhân viên y tế, người có chức trách bảo trợ, nuôi dưỡng, chữa bệnh. Nhiều đối tượng có kiến thức, kỹ năng trong môi trường mạng.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến trường hợp bệnh lý loạn dâm, ấu dâm, thiếu rèn luyện tu dưỡng nên không kiềm chế, không chế ngự được bản thân nên có hành vi suy đồi bệnh hoạn, ấu dâm với những nạn nhân rất nhỏ tuổi...

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng tự vệ của nạn nhân để dụ dỗ, cho quà, hứa hẹn, cho sử dụng chất kích thích, xem ấn phẩm khiêu dâm, rủ đi chơi, lợi dụng không gian vắng vẻ, thiếu sự quan tâm của người lớn để dụ dỗ, đe dọa, cưỡng bức xâm hại tình dục.

Nhiều đối tượng lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc, gần gũi với nạn nhân như cha con, cha dượng,  họ tộc, xóm giềng, thầy trò, yêu đương… khiến  nạn nhân không có ý thức tạo khoảng cách để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Một số đối tượng lợi dụng địa bàn vắng vẻ, dân cư thưa thớt, người lớn vắng nhà, thiếu sự quan tâm quản lý để xâm hại tình dục trẻ em.

Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho biết, tình hình trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng có những diễn biến phức tạp, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính có đến gần 2/3 số vụ xâm hại trẻ em đối tượng triệt để lợi dụng các phương tiện công nghệ cao, các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, mại dâm và khiêu dâm trẻ em.

Ngoài ra, nhiều trẻ em nam từ các tỉnh, địa phương đến các đô thị, thành phố lớn để mưu sinh, lang thang đường phố bị các đối tượng (chủ yếu đối tượng đồng tính, đối tượng người nước ngoài du lịch, sống hoặc làm việc tại Việt Nam) lợi dụng, dụ dỗ xâm hại tình dục đồng tính và xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho biết, năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.641 vụ/1.807 đối tượng, xâm hại 1.627 em. Trong đó xâm hại tình dục là 1.248 vụ/1.267 đối tượng, xâm hại 1.211 em, chiếm 76,5%  số vụ xâm hại trẻ em nói chung    

Trong 6 tháng đầu năm 2017,  các lực lượng chức năng phát hiện 696 vụ/716 đối tượng, xâm hại 710 em; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 43 vụ, 56 đối tượng và 21 nạn nhân.

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh, để phòng, chống xâm hại trẻ em, trước hết đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các cơ quan chức năng phải tham mưu, đề xuất các cấp ủy đảng, chính quyền. Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tại các địa phương có kế hoạch hàng năm về tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em trong việc trao đổi thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Việc tuyên truyền tập trung vào trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và mỗi người dân trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhằm tích cực tố giác tội phạm và cộng tác với cơ quan chức năng; không phân biệt, kỳ thị, định kiến với trẻ em bị xâm hại; không dàn xếp, thương lượng, xử lý nội bộ hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuyên truyền biện pháp, kinh nghiệm trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, kinh nghiệm nhận diện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng như guy cơ dễ bị dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc để xâm hại tình dục và các rủi ro khác khi trẻ em sớm tiếp cận với môi trường mạng.

Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ giữa cơ quan Công an với Cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội, Chi hội phụ nữ và các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo khác trong việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục giúp các em ổn định tâm lý và phục vụ công tác lấy lời khai, điều tra vụ án…

 

 

 Một số dấu hiệu nhận biết trẻ em bị XHTD

* Dấu hiệu về thể chất

- Có vết bầm xước, thâm tím, chảy máu, sưng đau liên quan bộ phận sinh dục (do hệ cơ, da của các em còn non nên dễ để lại dấu vết này); 

-Đứng, ngồi đi lại thường khó khăn, quần áo bị rách, nhàu bẩn. Có thể có vết máu, tinh dịch, lông tóc bám quần áo; vùng sinh dục  bị đau, sưng hoặc ngứa.

- Bị đau khi tiểu tiện hoặc viêm đường tiết niệu;

- Có những vật lạ, dấu vết lạ trong âm đạo hay hậu môn;

 

- Có biểu hiện nhiễm khuẩn, hôi thối đường tiết niệu tái diễn, không tự chủ được trong đại và tiểu tiện; 

 

 

- Có dấu hiệu nhiễm bệnh lây qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai, herpes;

 

 - Đối với các em lớn có thể có thai sớm

 

Về trạng thái tinh thần và tính tình: Có biểu hiện dối loạn hành vi, tâm thần nhẹ hoặc nặng, lâu dài hoặc nhanh chóng, cụ thể như:

- Lo lắng, căng thẳng, sợ sệt, né tránh;

- Sợ ở một mình;

- Không dám nhìn thẳng ;

- Thường xuyên gây lộn và tỏ ra khó chịu với người khác;

- Mất bình tĩnh, bồn chồn thiếu tự tin;

- Tính tình thay đổi đột ngột, có ý lo lắng đến các chủ đề tình dục;

- Rối loạn giấc ngủ, chán, lười ăn, xấu hổ, mặc cảm cho rằng mình có lỗi, có ý định hoặc dọa tự tử, tự hành hạ bản thân

 

 - Rối loạn về ứng xử cũng như khả năng tiếp thu, học tập ở trường. Tính cách dễ bùng nổ hoặc co mình, không muốn tham gia vào các hoạt động tập thể, 

 

- Sợ bị lạm dụng một lần nữa, sợ sệt, ngượng ngùng khi giáp mặt đối tượng hoặc người đàn ông lạ; cự tuyệt, dè dặt các mối quan hệ với người xung quanh.

 

 

Nhật Thy