Vì sao phụ nữ ‘bỏ cuộc’ khi tố cáo xâm hại tình dục?
Báo Tiếng Chuông - 05/12/2017
Báo cáo "Xử án hiếp dâm: Tìm hiểu đáp ứng của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam" do Cơ quan phát triển phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Văn phòng LHQ về Phòng chống ma túy và mội phạm (UNODC) thực hiện cho thấy, khuôn mẫu giới về vị thế của phụ nữ và trẻ em gái cũng như những quan niệm không đúng và hiểu sai về bạo tình dục khiến nhiều phụ nữ bỏ cuộc trong tố cáo tội xâm hại tình dục.

Nghiên cứu tập trung vào trường hợp nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục không viện đến hệ thống tư pháp để giải quyết vấn đề. Theo đó, hầu hết các nạn nhân bị hãm hiếp ở Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt với những rào cản pháp lý‎ nhiêu khê, phức tạp, cộng với thái độ và hành vi phân biệt đối xử của chính các cán bộ thực thi pháp luật và của cộng đồng khiến họ không muốn tố cáo vụ việc tới cơ quan tư pháp, hoặc bỏ cuộc giữa chừng.

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 290 hồ sơ vụ án của cảnh sát hoặc toà án và phỏng vấn 213 người bao gồm các quan chức chính phủ, nhân viên tư pháp, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà cung cấp dịch vụ cho nạn nhân sống sót.

Tại Việt Nam, nghiên cứu được tiến hành tại Hà Nội và Đắk Lắk.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những định kiến đã ăn vào gốc rễ cả người Việt và người Thái, chẳng hạn như không có chuyện chồng cưỡng bức vợ. Ngay cả cán bộ thực thi pháp luật cũng giữ những định kiến như vậy.

Tại Việt Nam, chưa có trường hợp 'chồng cưỡng bức vợ' nào được báo cáo. Có một 'niềm tin' phổ biến là: Đã là vợ thì luôn luôn phải 'chiều' chồng chừng nào cuộc hôn nhân còn tồn tại.

Một học giả nữ cho hay, "công an và hội phụ nữ không tin cưỡng hiếp có thể xảy ra giữa vợ chồng. Do đó họ thường tìm cách giải quyết vấn đề thông qua hòa giải."

Hay, nạn nhân của các vụ cưỡng bức thường phải tỏ ra sợ hãi, đau khổ. Nếu họ tỉnh táo và bình tĩnh, chứng tỏ họ không phải là 'nạn nhân'. Cưỡng bức một cô gái còn trinh tiết thì nặng tội hơn cưỡng bức một phụ nữ có chồng. Thậm chỉ đổ lỗi cho người bị hãm hiếp rằng họ đã ăn mặc 'khiêu khích' nên 'đáng bị hãm hiếp'.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sai lầm khi cho rằng kẻ hãm hiếp thường là người xa lạ với nạn nhân. Trên thực tế, nạn nhân thường quen biết kẻ hãm hiếp. Cụ thể, 86% số vụ bạo lực tình dục tại Việt Nam có nghi phạm là người quen của nạn nhân.

Bên cạnh đó, phụ nữ bị xâm hại tình dục khi đến trình báo thường phải đối mặt với những rào cản pháp lý‎ phức tạp, cộng với thái độ và hành vi thiếu nhạy cảm giới của cán bộ thực thi pháp luật. Nạn nhân thường phải kể đi kể lại nhiều lần với nhiều người thực thi công vụ. Một nạn nhân cho biết đã phải tới sở cảnh sát hơn 10 lần để báo cáo.

Ngoài ra, thủ tục tố tựng còn quá phụ thuộc vào chứng cứ pháp y, trong khi 76%  nạn nhân bị bạo lực tại Việt Nam thương tích không nhìn thấy được. Cách thức xác định tội danh tình dục có thể dẫn đến việc chuyển trọng tâm sang hành vi của nạn nhân thay vì chú trọng tới hành vi của bị cáo. Đó là sự chú trọng vào mức độ tin cậy đối với nạn nhân thay vì chú trọng vào mức độ tin cậy của sự việc…

Trước tình hình này, báo cáo khuyến nghị các xây dựng các dịch vụ tư pháp thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân trong đó ưu tiên an toàn, bảo vệ và hỗ trợ cho họ; xây dựng năng lực thể chế để thay đổi văn hóa tổ chức và nâng cao nhận thức, sự nhạy cảm giới; đồng thời thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý và lập pháp toàn diện; lồng ghép bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ và các chính sách, thực hành và nguồn lực; xây dựng các cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình nội bộ và bên ngoài hiệu quả…

Nhật Thy