Bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào. Ước tính toàn cầu có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại cao. xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh mạng internet và mạng xã hội ngày càng có nhiều người sử dụng.
Hội nghị Hợp tác Nam - Nam khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNICEF năm 2016 đã thảo luận và bàn về các giải pháp để đối phó với tình trạng này; Các sáng kiến toàn cầu về chấm dứt bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang được phát động mạnh mẽ. Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2017 của UNICEF cũng có chủ đề “Trẻ em trong thế giới công nghệ số”, trong đó cảnh báo nạn xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
![]() |
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu tại Lễ khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 |
Qua điểm báo định kỳ của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các vụ xâm hại tình dục trẻ em mang tính loạn luân và vi phạm nghiêm trọng đạo đức đang có xu hướng tăng, đồng thời, xuất hiện thêm các nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em thông qua mạng xã hội, người Việt Nam ra nước ngoài xâm hại tình dục trẻ em, người nước ngoài vào Việt Nam xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em trai. Trong năm 2017, các vụ việc bạo lực trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, bạo lực nghiêm trọng trong gia đình do cha, mẹ gây ra tiếp tục gây bức xúc dư luận. Số trẻ em dưới 4 tuổi bị bạo lực có số lượng lớn nhất (53/185 trẻ em).
Thời gian qua, đặc biệt trong các năm 2016-2107, báo chí đã lên tiếng phản ánh kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại/xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, có ý kiến chỉ đạo giải quyết một số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội. Cũng trong năm 2017, đã có sự chuyển biến rõ rệt về ưu tiên can thiệp, xử lý của các cơ quan tư pháp đối với vụ việc mới phát sinh cũng như rà soát, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tồn đọng.
Dự báo trong những năm tới, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, hỗ trợ, can thiệp sẽ tăng hay giảm?
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản...) cho thấy khi pháp luật về bảo vệ trẻ em có quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận thông tin, có các quy định về bảo vệ, bảo mật cho người cung cấp thông tin, tố cáo và khi dịch vụ công tiếp nhận, xử lý thông tin được phổ biến rộng rãi và đặc biệt khi nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em được nâng cao thì thông tin, tố cáo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ có xu hướng tăng lên. Nạn nhân và gia đình, người dân từ chỗ không muốn hoặc không dám tố giác, tố cáo thì khi nhận thức đã thay đổi và được bảo vệ, họ sẽ lên tiếng vì lợi ích chung.
Năm 2017, tổng số cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại Tư vấn và hỗ trợ trẻ em thuộc Cục Trẻ em (hiện nay là Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111) tăng 40.000 cuộc (hơn 370.000 cuộc gọi so với hơn 330.000 cuộc năm 2016). Trong đó có gần 2.000 ca tư vấn về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 7,7% tổng số ca tư vấn của Tổng đài và tăng 3% so với năm 2016[4]. Số liệu báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy xu hướng tương tự, năm 2015, có 1.371 trẻ em, năm 2016 có 1.211 trẻ em và năm 2017 có 1.397 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thủ tướng chỉ thị Bộ Công an và đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài; tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, không hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Chủ tịch UBND của 33 tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện có hiệu quả Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em trong Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, bảo đảm nguồn lực Nhà nước cả tài chính và nhân lực cho việc hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ cao hoặc bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục, bảo đảm cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ phục hồi, hòa nhập.
Triển khai nhiều biện pháp, nhiều kênh truyền thông, giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thông báo, tố cáo và cùng giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em; cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Theo Tạp chí LĐ&XH
▪ Những vụ án rợn người vì ảo giác ma tuý đá (07/03/2018)
▪ Vì sao người nghiện ngày càng trẻ hóa? (06/03/2018)
▪ Phụ nữ nghèo đói và bị phân biệt đối xử nhiều hơn đàn ông (05/03/2018)
▪ ‘Sạn’ nghệ thuật về giới LGBT? (05/03/2018)
▪ Quyền lợi bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV (01/03/2018)
▪ Sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (03/02/2018)
▪ Ưu tiên công tác phòng, chống HIV/AIDS (29/01/2018)
▪ Thực hư ma túy ‘quả dâu tây nhanh’ tấn công trẻ em (24/01/2018)
▪ Sẽ có Trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (23/01/2018)
▪ Hiểm họa "rình rập" từ bao cao su giả (23/01/2018)