XKLĐ: Bao giờ hết phí “ngoài luồng”?
Các Website khác - 21/02/2009

Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngoài nước ngày càng thu hẹp, phong trào trong nước “nguội lạnh”. Trong bối cảnh đó, giảm chi phí đi XKLĐ cần được đặt ra để tháo gỡ khó khăn hiện thời.


Tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại Nhật

Chi phí quá cao

Chi phí đi XKLĐ hiện ở mức quá cao, vượt ra ngoài qui định về các loại phí do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành. Tình trạng doanh nghiệp “đi đêm” với đối tác, đội phí lên cao để mua được hợp đồng, khiến người lao động phải chịu thiệt thòi.

Ở thị trường Đài Loan, ông Michael Ou, chủ tịch công hội các công ty môi giới nhân lực Đài Bắc thừa nhận: “Chúng tôi nhập khẩu lao động từ nhiều nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan... nhưng mức phí môi giới ở Việt Nam là bất ổn, và cao nhất. Ở Indonesia, người lao động chỉ trả phí môi giới là 66.000 Đài tệ, ở Thái Lan 55.000 - 60.000 Đài tệ, ở Philippines 30.000 Đài tệ. Trong khi dù mức phí ở Việt Nam được quy định là 60.000 Đài tệ/lao động, nhưng thực tế, các công ty môi giới Đài Loan thu cao gấp hai, ba lần”.

Ngay cả chương trình “phi lợi nhuận” như chương trình Cấp phép lao động tại Hàn Quốc (EPS), ông Choi Byung Gie, vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế bộ Lao động Hàn Quốc, cho biết: trong số lao động của bốn nước Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, chi phí tuyển dụng trung bình trước khi đi của lao động Việt Nam cao thứ hai (sau Indonesia) - 1.700 USD, trong khi, chi phí trung bình để nhận được việc tại Hàn Quốc khoảng 1.300 USD.

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam cũng phải qua trung gian nhiều nhất với số lượng 35%. Nguyên nhân, theo các chuyên gia XKLĐ, là do hầu hết các doanh nghiệp XKLĐ còn rất yếu về khả năng đàm phán với đối tác, nên phải mua các hợp đồng cung ứng lao động của các nhà môi giới, và phải lệ thuộc vào mức phí do họ đưa ra. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động đội giá lên cao để tranh giành hợp đồng.

Cần giảm chi phí

Với thị trường “bình dân” như Malaysia, nếu thực hiện đúng quy định về phí môi giới do bộ LĐ-TB&XH quy định, tổng chi chí người lao động phải đóng chỉ khoảng 700 USD. Nhưng thực tế, mức phí phần lớn các doanh nghiệp áp dụng là trên một ngàn USD. Đi tu nghiệp sinh ở Nhật Bản, lẽ ra chi phí chỉ khoảng 1.500 USD, nhưng nhiều doanh nghiệp đội lên tới 4.000 USD, hoặc cao hơn. Đặc biệt, để đi Đài Loan, mức phí quy định chỉ dưới 3.000 USD, nhưng người lao động phải đóng trên dưới 7.000 USD.

Trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam mua được nhiều đơn hàng đưa lao động đi Đài Loan hơn Thái Lan và Indonesia, nhưng hầu hết các đơn hàng đều tuyển lao động phổ thông, thu nhập thấp. Đến khi khủng hoảng, lao động Việt Nam bị sa thải đầu tiên.

Trung gian cò mồi cũng là thực tế nhức nhối. Với Hàn Quốc, quy định của nhà nước chỉ có 699 USD, cộng các khoản chi phí khác cũng lên đến khoảng 1.700 USD, nhưng nhiều lao động phải đóng 7.000 - 10.000 USD, phần lớn là nộp cho môi giới bất hợp pháp. Lãnh đạo cục Quản lý lao động ngoài nước thừa nhận, 80% số vụ lừa đảo liên quan đến việc đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài có liên quan đến thị trường Hàn Quốc.

Gần đây, đi XKLĐ không còn hấp dẫn, một phần do chi phí quá cao. Theo ông Michael Ou, biện pháp giảm chi phí hiệu quả nhất là nâng cao chất lượng lao động. Sở dĩ lao động các nước khác không bị ép giá, chịu phí môi giới cao là do chất lượng lao động cao, đảm bảo yêu cầu tuyển dụng. Còn lao động của Việt Nam có nhiều khiếm khuyết, chất lượng, ý thức kỷ luật lao động thấp. Để cải thiện tình trạng này, Việt Nam nên phân loại doanh nghiệp XKLĐ, chỉ cho phép doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về đào tạo, nguồn lao động tốt, mới cấp phép.

XKLĐ không đơn thuần là hình thức kinh doanh, mà còn là giải pháp để tiếp thu công nghệ mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu mức phí vẫn duy trì ở mức quá cao như hiện nay, các mục tiêu của chương trình này sẽ không thể đạt được.

Theo Tuoi Tre Online