Tạo nguồn cho xuất khẩu lao động
Các Website khác - 16/12/2008

Doanh nghiệp cần kết hợp với trường nghề chọn lao động qua đào tạo, thẩm định thật kỹ đơn hàng, hợp đồng; không đưa lao động sang những quốc gia đang bị suy thoái kinh tế...


Lao động nữ VN do Công ty Suleco tuyển chọn đang làm việc trong một nhà máy ở Malaysia. Ảnh: C.VIÊN

“Năm 2009, bộ đặt chỉ tiêu đưa 90.000 lao động sang làm việc ở nước ngoài và từ năm 2010 trở đi, con số này sẽ trên 100.000 lao động, trong đó 70%-80% là lao động đã qua đào tạo. Hiện VN có nhiều thị trường song sẽ vấp phải không ít khó khăn mới đạt được mục tiêu này”. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết như vậy tại hội nghị việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) toàn quốc tổ chức ngày 15-12 tại Hà Nội.

Thị trường mới: Vừa làm đã vấp

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới dẫn đến khủng hoảng cả thị trường XKLĐ. Sắp tới, các ban quản lý phải nắm rõ tình hình lao động tại các nước, xem xét khả năng phải về nước trước hạn tại một số thị trường. Song song đó, phải xem xét các chính sách của nước bạn, hướng dẫn doanh nghiệp (DN) thu xếp quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), cho rằng năm 2008, các DN gặp nhiều khó khăn nhất. Mục tiêu ban đầu của AIC là đưa 12.000 lao động đi xuất khẩu nhưng hiện mới chỉ hoàn thành 50% kế hoạch. Thu nhập của NLĐ đi xuất khẩu giảm 1/3 so với năm 2007 do các công ty nước ngoài cắt giảm giờ làm thêm, trong khi đây là phần thu nhập đáng kể của NLĐ.

Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng lao động xuất khẩu gặp không ít khó khăn. NLĐ thường đổ xô vào thị trường “màu mỡ” như Hàn Quốc, Nhật Bản... trong khi thị trường này lại giới hạn số lượng lao động theo các chương trình cấp phép riêng với Bộ LĐ-TB-XH, không phải DN nào cũng có khả năng tự tìm đơn hàng. Đơn cử, Airseco tự tìm đơn hàng và đưa được hơn 200 lao động sang Nhật Bản được coi là một “kỷ lục” trong năm qua. Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cũng thừa nhận công tác chỉ đạo triển khai đối với thị trường mới còn nhiều bất cập, trong khi đó nhận thức của một bộ phận NLĐ còn hạn chế, chất lượng lao động thấp, đặc biệt về ý thức kỷ luật. Ở một số thị trường đã xảy ra tình trạng lao động vô kỷ luật, đình công trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh lao động VN và đến việc mở rộng thị trường XKLĐ.

Vẫn hướng về thị trường Trung Đông, Ả Rập Saudi

Nhằm thoát khỏi cơn bĩ cực của ngành XKLĐ, các DN đưa ra đáp án: Phải tạo nguồn lao động qua đào tạo, có tay nghề cao. “DN cần phải kết hợp với các trường nghề chọn lao động qua đào tạo, thẩm định thật kỹ các đơn hàng, các hợp đồng, không đưa lao động sang những quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế, tránh rủi ro cho lao động”- ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty Airseco, đề nghị. Ông Vui cho biết vẫn quyết tâm hướng về thị trường Trung Đông, Ả Rập Saudi trong năm 2009 vì đây là thị trường ít bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, thậm chí còn có xu hướng tăng lương cho lao động nước ngoài (thu nhập trung bình 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng). Hiện Airseco có hơn 6.000 lao động tại Trung Đông.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, để xuất khẩu được lao động sang các nước phát triển, bước đầu VN cần tập trung tuyển dụng và đưa lượng lao động chất lượng cao sang thị trường này để tạo uy tín. Khi các nước phát triển đánh giá được và tin tưởng ở chất lượng lao động của VN thì các thị trường sẽ tự tìm đến VN.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Phải đào tạo theo thị trường

Việc tập trung đào tạo nghề mang tính quyết định trong XKLĐ. Vì vậy, đào tạo phải theo thị trường chứ không phải theo kế hoạch. Bốn điểm yếu của công tác đào tạo nghề cho XKLĐ là trình độ ngoại ngữ yếu; hiểu biết về văn hóa, truyền thống của nước sở tại quá ít; hiểu biết về pháp luật, khả năng tự chịu trách nhiệm thấp và chuyên môn nghiệp vụ chưa cao. Do đó, nhất thiết phải xốc lại công tác đào tạo trên cơ sở tính toán cơ hội nghề nghiệp trong cả nước và nước ngoài. Không có lao động tốt sẽ không có việc làm tốt, không có việc làm tốt thì không có việc làm thu nhập cao.

Nguyễn Quyết