Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa cho biết 22 doanh nghiệp (DN) trong khu đang gặp khó khăn có khả năng giải thể và đã giảm lao động, trong đó sáu DN đã giải thể.
Công ty Freetrend cần tuyển 5.000 công nhân, nhưng bàn tuyển dụng luôn vắng vẻ - Ảnh: TRUNG CƯỜNG
Đó là chưa kể hàng loạt DN khác ngoài Hepza trong thời gian gần đây ngưng hoạt động, giải thể và nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội dẫn đến chủ DN bỏ trốn.
Đến nay chỉ tính riêng Hepza đã có trên 2.500 công nhân mất việc, 1.500 công nhân khác đang có nguy cơ mất việc.
Cũng có một số DN đang “khát” lao động và sẵn sàng nhận số lượng công nhân trên. Nghịch lý này đang diễn ra và hướng giải quyết ra sao?
Vẫn còn nhiều DN tìm người
Có nhiều DN khác đang có nhu cầu tuyển thêm lao động để chạy đua cho kịp hợp đồng.
Bà Trần Thị Thiếu Liên - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Q.Bình Tân - cho biết địa bàn quận có sáu công ty ngưng hoạt động, với trên 2.000 công nhân mất việc nhưng các DN trên địa bàn quận đã tuyển dụng hết, như Công ty Pou Yuen tuyển 1.400 công nhân. Bà Tô Thị Yến - phó phòng lao động - tiền lương - tiền công, Sở LĐ-TB&XH - cho biết có một công ty ở KCN Tân Tạo còn tuyên bố bao nhiêu công nhân mất việc cũng sẵn sàng tiếp nhận. Trường hợp 400 công nhân một xưởng của Công ty Leaprodexim Saigon (Q.Gò Vấp) bị mất việc thì đúng ngày công ty trả chế độ mất việc, 4-5 công ty khác mang xe đến đón công nhân đi làm.
Tại KCX Linh Trung 2, bàn tuyển dụng của Công ty TNHH Freetrend (xưởng FVA) vắng hoe. Nhân viên tuyển dụng than thở: “Ngồi cả ngày mà chỉ được 2-3 người đến hỏi. Không biết bao giờ tuyển đủ 1.000 người cho xưởng. 4-5 ngày mới gom khoảng 20 người vào phỏng vấn”. Nói là phỏng vấn nhưng trình độ cấp II, chưa có tay nghề, công ty này cũng nhận hết.
Được biết, công ty này có nhu cầu tuyển 5.000 công nhân cho nhiều xưởng. Chị Phan Thị Liên, nhân viên phòng nhân sự, cho biết do đơn hàng ổn định nên công ty mở rộng sản xuất. Ngoài ra, lo ngại công nhân nghỉ việc khi một xưởng ở KCX Linh Trung 1 chuyển qua Linh Trung 2 nên công ty tuyển lao động để dự phòng.
Hướng ra cho sự biến động
Lý giải hai hiện tượng trái chiều trên, ông Lâm Văn Tiếp - phó ban Hepza - cho rằng những DN gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là do không có đơn đặt hàng, thiếu tiền do ảnh hưởng từ công ty mẹ…Bên cạnh đó, nhiều DN khác vẫn tuyển dụng lao động vì có đơn hàng ổn định, có nhiều thị trường xuất khẩu.
Nắm bắt được sự biến động trên, ông Trương Lâm Danh - phó chủ tịch LĐLĐ TP - cho biết LĐLĐ TP đã có công văn chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện lập danh sách công nhân bị thôi việc, mất việc và chủ động liên hệ các DN trên địa bàn hoạt động sản xuất tốt, có nhu cầu lao động để giới thiệu cho DN tiếp nhận. Cụ thể như địa bàn Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp, LĐLĐ quận đã nhanh chóng ổn định tình hình và giải quyết việc làm cho hầu hết số công nhân mất việc.
Bên cạnh đó, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng cũng chủ động liên hệ LĐLĐ các quận, huyện để trực tiếp đặt hàng. Đối với các KCX-KCN, ông Lâm Văn Tiếp cho biết đã yêu cầu các DN nếu gặp khó khăn phải báo ngay để Hepza hướng dẫn DN thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi và giải quyết việc làm cho người lao động.
TRUNG CƯỜNG
▪ “Tích luỹ” để làm sếp to (12/12/2008)
▪ Ngày càng tiến xa (12/12/2008)
▪ Lưu ý khi đánh giá nhân viên (11/12/2008)
▪ LĐLĐ TP Hồ Chí Minh: Trao đổi kinh nghiệm với Liên hiệp CĐ Busan (11/12/2008)
▪ Hậu quả của kiểu làm “ăn xổi ở thì” (11/12/2008)
▪ Bốc sỏi, vật vờ, lao động khổ sai trên đất khách (11/12/2008)
▪ Lỗ hổng về nhân sự cấp cao tại Việt Nam (10/12/2008)
▪ Công nhân ngất vì ăn cơm có dòi (10/12/2008)
▪ Để công việc chạy bon bon cả năm (10/12/2008)
▪ Thợ thủ công quay lại đồng ruộng (09/12/2008)