Đối với người nhiệm HIV/AIDS ngoài hỗ trợ về vật chất, thể chất, rất cần có sự hỗ trợ về tinh thần. Tư vấn như là một biện pháp hỗ trợ tinh thần tích cực, không chỉ giúp tạm thời mà chính là nhằm tạo dựng cho người nhiễm HIV/AIDS khả năng tự vượt qua khủng hoảng và đương đầu với cuộc sống.
Cơ thể và tinh thần có mối quan hệ đặc biệt, tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể tráng kiện, câu nói này nêu lên tác động của tình trạng cơ thể đối với tinh thần. Ngược lại, tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Sự đau khổ, tuyệt vọng làm cơ thể suy sụp nhanh chóng. Một trong những vấn đề sức khỏe bệnh nhân HIV/AIDS đó là tình trạng suy kiệt do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng trầm cảm của bệnh nhân. Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS ổn định cảm xúc là một trong bốn thành phần quan trọng của việc chăm sóc toàn diện người nhiễm HIV/AIDS (điều trị, điều dưỡng, hỗ trợ tinh thần, hỗ trợ xã hội) giúp họ chậm suy kiệt cơ thể, có tinh thần khỏe mạnh, sống hữu ích cho gia đình, xã hội và đương đầu với AIDS.
Tâm lý của con người rất phức tạp, là kết quả tác động từ bên ngoài trên cơ sở những đặc điểm tâm lý cá nhân. Tác động bên ngoài càng mạnh, ảnh hưởng càng lớn. Những tác động bên ngoài đối với người nhiễm HIV/AIDS rất đa dạng, từ thái độ của những người thân, người quen, đến những tác động truyền thông, thậm chí một số hình ảnh cũng có thể gây ra xúc cảm tâm lý và phản ứng mạnh mẽ ở người nhiễm HIV/AIDS. Tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS rất nhạy cảm trước tác động bên ngoài vì họ luôn mang trong mình nỗi sợ, dù có khi nó chỉ là trong vô thức, sợ chết, sợ bị xa lánh, sợ bị cô đơn và bị những mặc cảm là người bệnh, nguồn lây và sống bám vào người khác.
Hỗ trợ tâm lý người nhiễm HIV/AIDS không chỉ là việc làm có tính chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn là việc đáp ứng tinh thần sâu xa của người nhiễm HIV/AIDS. Đó là công việc không chỉ nhà tâm lý, mà còn là tất cả những ai tiếp xúc người nhiễm HIV/AIDS. Sự có mặt của người thân, người quen, hiểu biết và chấp nhận người nhiệm HIV/AIDS trong những lúc họ cảm thấy cô đơn là sự hỗ trợ tinh thần rất lớn.
Tư vấn HIV/AIDS là cuộc đối thoại bảo mật giữa khách hàng (KH) và người chăm sóc sức khỏe, giúp KH đương đầu với stress và có những quyết định cá nhân liên quan đến HIV/AIDS (WHO, 1955). Trong tất cả định nghĩa tư vấn đều nhấn mạnh đến yếu tố tương tác hay nói cách khác tư vấn không phải là lên lớp dạy đời hoặc chỉ là người biết nói cho người không biết mà là sự khơi gợi, lắng nghe và phản ánh để KH tự mình hiểu ra về hoàn cảnh, khó khăn của chính mình. Từ đó, người bệnh có những quyết định phù hợp. Do đó, trong tư vấn phải khơi dậy ý chí tự lực, tự quyết của KH, giúp họ tự giải quyết vấn đề của chính mình và trưởng thành hơn trong cảm xúc, khả năng thích nghi, đương đầu với cuộc sống. Tư vấn là một phần quan trọng của việc hỗ trợ tinh thần, sự hỗ trợ bên ngoài và sự nâng cao khả năng tự hỗ trợ từ bên trong.
Người tư vấn khơi gợi để KH có dịp tự hiểu chính mình. Người tư vấn nghe nhiều hơn nói, tìm tòi phát hiện khách hàng và phản ánh những điều mình đã phát hiệu cho KH. Người tư vấn là một người bạn hơn là một người thầy. Người tư vấn đôi khi còn tự xem KH là chính mình và tự đặt ra những câu hỏi để giúp KH sáng dần vấn đề. Trong tư vấn KH bị khủng hoảng tâm lý, người tư vấn kiên trì khơi gợi để KH tìm lại quá khứ những lần và cách thức mình vượt qua khó khăn. Người tư vấn cố gắng giúp KH phát hiện ra cuộc sống này không phải là không lối thoát cho dù nó thật sự rất đen tối. Giúp KH bình tâm cũng là đã giúp KH bớt khủng hoảng, tự tìm lối đi cho mình.
BẠN CẦN THÊM THÔNG TIN VỀ HIV/AIDS
Hãy đến Phòng Tư vấn sức khỏe
Số 21 Trần Hưng Đạo, thành phố Rạch Giá, Điện thoại: 077.3878232
Là nơi cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tự nguyện
Miễn phí – Bí mật – Chính xác
▪ Người sống với HIV có thể đi đắp, nâng cơ được không ? (24/10/2009)
▪ HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào? (12/09/2009)
▪ Xét nghiệm HIV sớm (09/09/2009)
▪ Thắc mắc của “công dân đường phố” (20/08/2009)
▪ Hội chứng ỉa chảy ở người nhiễm HIV (25/04/2009)
▪ Quan hệ với người đang sống với HIV có an toàn không ? (11/08/2009)
▪ Làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ nếu bị dương tính với HIV (11/08/2008)
▪ Người sống với HIV nghèo thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng ? (06/08/2009)
▪ Tràn dịch màng phổi do nhiễm HIV (10/06/2009)
▪ Quan hệ đồng tính nữ liệu có bị nhiễm HIV/AIDS? (29/07/2009)