Cậu bé Thanh chạy ào ra cổng, ôm chầm lấy chân anh, miệng rối rít "Bác Sự đến. Bác Sự đến!". Nó yêu bác Sự của nó lắm vì tháng nào bác cũng đến khám bệnh cho cả nhà nó, phát thuốc, rồi cho nó thật nhiều quà. Nhưng với nhận thức của cậu bé mới 6 tuổi, Thanh đâu biết rằng gia đình anh Sự đã phải trải qua cơn khủng hoảng ghê gớm trong thời gian tưởng bé Thanh đã truyền virus HIV sang anh Sự.
Tháng 3/2003, sau khi có kết luận anh Nguyễn Văn Thắng và chị Đinh Thị Hoa (bố mẹ cháu Nguyễn Văn Thanh - khu 3, xã Tiên Lương, Cẩm Khê) đều mang virus HIV, anh Sự cùng đồng nghiệp tiến hành xét nghiệm cho cháu Thanh. Do bất cẩn các đồng sự đã để tuột tay khi giữ cháu bé trong khi anh Sự đang lấy máu từ ven ở chân cháu. Cậu bé đạp mạnh làm kim tiêm cùng ống xi lanh chứa 1,5ml máu cắm ngược vào bắp tay anh Sự. Sau khi sơ cứu, anh Sự được đưa về Trung tâm y tế dự phòng Việt Trì, rồi bệnh viện Y học lâm sàng nhiệt đới (Hà Nội) để xét nghiệm cùng với mẫu máu của cháu Thanh. Đến ngày thứ 3, kết quả xét nghiệm cho biết, mẫu máu của cháu Thanh là dương tính (HIV+), mẫu máu của anh Sự là âm tính (-), có thể do còn trong thời kỳ "cửa sổ"...
Anh Sự được cơ quan cho nghỉ việc để điều trị. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với anh và cả gia đình. Một không khí nặng nề, ủ dột bao trùm gia đình anh. Bản thân anh cũng suy sụp, một phần do hoang mang, lo lắng, một phần do tác dụng của thuốc AZT (thuốc kéo dài thời gian nhiễm HIV) làm thần kinh anh giảm sút, "nhiều lúc ngồi cạnh vợ thì chỉ biết đó là vợ mình thôi chứ không làm sao nhớ nổi tên cô ấy". Không chịu được cảnh đó, anh lại quyết định đi làm, tiếp tục tư vấn cho những người nhiễm HIV với ý thức bản thân mình cũng đang bị phơi nhiễm loại virus nguy hiểm này. Chính những lúc này, anh Sự lại cảm thấy yên tâm hơn, tự tin hơn với phương pháp mình đang điều trị. 2 tháng, 6 tháng, rồi 9 tháng, thời kỳ "cửa sổ" đã hết, xét nghiệm mẫu máu của anh Sự vẫn cho kết quả âm tính. Theo nhận định của giới chuyên môn, có thể là do lượng máu của cháu Thanh vào người anh Sự ít, có thể là do tác dụng của thuốc AZT. Nhưng dù lý do gì đi nữa thì anh như được sống lại, gia đình anh như thoát khỏi cơn hoạn nạn.
Rất thẳng thắn, anh tâm sự: "Quả thật lúc đó tôi đã rất sợ hãi, gia đình liên tục khuyên chuyển sang làm công tác khác chứ làm công việc này sớm muộn rồi cũng... Nhưng đã từng là một người lính lăn lộn trên các chiến trường miền Nam, chiến trường Campuchia, tôi quyết tâm theo đuổi công việc vì tôi biết địa phương và những người bệnh đang rất cần một người có bề dày kinh nghiệm như tôi".
Về làm đội phó y tế dự phòng tại Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê từ năm 1996, y sỹ Trần Minh Sự lần lượt kiêm nhiệm thêm 3 chức thư ký của 3 chương trình phòng chống HIV (dự án của Uỷ ban phòng quốc gia HIV/AIDS, dự án chống AIDS của tổ chức Plan, dự án phòng chống HIV/AIDS toàn cầu) trên địa bàn huyện. Tuy có vài người cùng tham gia nhưng chỉ mang tính phối hợp nên công việc thuộc các dự án phần lớn do mình anh gánh vác.
Năm 1998, huyện Cẩm Khê xuất hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, nay số người nhiễm HIV trên địa bàn huyện đã là 66 ở tại 15 xã, trong đó có 25 người đã chết. Riêng xã Tiên Lương có tới 24 trường hợp nhiễm HIV, 8 người đã chết. Sau khi bùng nổ con số người nhiễm HIV ở Cẩm Khê (2001), đặc biệt sau ca tử vong đầu tiên của bệnh nhân AIDS, người dân trong huyện vô cùng hoang mang, lo sợ, dẫn đến xa lánh, kỳ thị những người nhiễm HIV. Anh Sự là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xoá kỳ thị, giúp đỡ họ vững tin trước những định kiến của dư luận. Các hội nghị truyền thông về HIV liên tục được tổ chức tại các điểm nóng; nhiều khi anh Sự bám địa bàn cả tuần lễ để tìm hiểu tình hình, vận động nhân dân. Bản thân anh là một tâm gương điển hình về hoà đồng với người có HIV để người dân chứng kiến và dần thay đổi nhận thức về căn bệnh này.
Mặc dù đã từng bị một số đối tượng xã hội có HIV lăng mạ, đe doạ, nhưng anh Sự không hề nản lòng. Anh luôn trăn trở, phải làm gì để giúp những người có HIV hoà nhập được với cộng đồng, tham gia sản xuất, tự nuôi sống được bản thân và gia đình. Với nỗ lực của mình, anh đã kêu gọi được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ những người có HIV ở địa phương, trong đó có những dự án giúp họ trồng rừng, phát triển chăn nuôi khá hiệu quả. "Phần lớn họ là nạn nhân, họ cũng là con người, cần đối xử với họ như một con người với lương tâm và trách nhiệm"- anh Sự ngậm ngùi.
"Những năm trước, khi Cẩm Khê xuất hiện nhiều ca nhiễm HIV, người dân luôn miệt thị, xa lánh họ. Hơn một năm trở lại đây, nhận thức của nhân dân đã thay đổi tích cực, họ đã không còn xa lánh, miệt thị những người có HIV. Thành công này có phần đóng góp không nhỏ của y sỹ Sự" - Giám đốc trung tâm y tế Cẩm Khê - Vi Văn Miên đã nói về anh như thế.
ÁNH CHI
(Sơn Phong, Báo Phú Thọ
▪ LHQ cảnh báo đại dịch HIV/Aids bùng phát ở Somalia (17/08/2005)
▪ Trung Quốc, Mỹ hợp tác phòng chống AIDS (16/08/2005)
▪ Ảo ảnh và “ảo thuật” tăng tập (13/08/2005)
▪ Cuộc sống là một điều tuyệt vời (12/08/2005)
▪ Có phải tôi là người lập dị? (12/08/2005)