Thiếu giường, thiếu thuốc cho bệnh nhân AIDS
Các Website khác - 01/12/2004
Bệnh nhân AIDS đang nằm điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP HCM
Bệnh nhân AIDS đang nằm điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: N.Đ.

Hai bệnh viện điều trị cho bệnh nhân AIDS ở TP HCM đang trong tình trạng quá tải, thiếu trang thiết bị và thuốc điều trị. Tại khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, không ít người phải nằm ngoài hành lang, dọc lối đi.

Theo Phó khoa Ngô Thị Kim Cúc, cơ cấu cả khoa có 65 giường, 10 giường dành điều trị bệnh nhân AIDS, trong khi hiện có tới 30 người. Đỉnh cao ngày 22/11, có gần 40 người.

Áp lực cũng đang đè nặng lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, nơi hằng ngày có gần 80 bệnh nhân AIDS nằm điều trị rải rác các khoa, xấp xỉ gấp đôi thời điểm năm trước. Bệnh nhân nhập viện do bệnh lao HIV và bệnh phổi không lao. Riêng khoa lao HIV, sáng 30/11 có 54 người. Theo Phó giám đốc Nguyễn Huy Dũng, số nhập viện ngày càng tăng do bệnh nhân chuyển về từ trường, trại cai nghiện đến.

Ngoài việc thiếu giường cho bệnh nhân AIDS, thuốc điều trị kháng virus HIV số lượng và chủng loại hiện chưa đa dạng. Bác sĩ Ngô Thị Kim Cúc cho biết, mục đích điều trị thuốc đặc trị là ức chế không cho virus sinh sản nhanh, mạnh; phục hồi hoặc giữ vững hệ thống miễn dịch của người bệnh khiến các bệnh nhiễm trùng cơ hội ít xảy ra. Tuy nhiên, thuốc chủ yếu nhập từ châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, giá thành cao nên số lượng không nhiều. Thuốc nội giá thành rẻ nhưng ít loại. Do đó, các bác sĩ rất khó tuân theo nguyên tắc sử dụng thuốc là kết hợp nhiều loại, khó xây dựng phác đồ điều trị đối với từng đối tượng. Hiệu quả dùng thuốc vì thế khó đạt mong muốn.

Trước thực trạng trên, những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS thành phố hy vọng nguồn viện trợ năm tới sẽ đạt khoảng 2 triệu USD, con số đủ để tăng số giường bệnh, cấp thuốc ngoại nhập miễn phí cho bệnh nhân AIDS. Hiện tại, nhiều dự án phòng chống AIDS của TP HCM dựa trên nguồn viện trợ của không dưới 10 tổ chức trong nước và quốc tế, gồm Tổ chức y tế thế giới (WHO), DFID, FHI, CAPS, Global Fund, Unicef, Policy, Tổ chức thày thuốc thế giới Pháp và Canada, Save Children Fund, Action AID, CDC...

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Trường Giang, Phó chủ tịch Ủy ban phòng chống AIDS, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố, địa phương này còn phải làm nhiều việc như: tăng cường nhân lực, trình độ quản lý tài chính, xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả để sử dụng đồng tiền hiệu quả, tạo sức hút để các tổ chức nước ngoài tiếp tục rót tài trợ.

Ông Giang cho hay, kinh phí phòng chống AIDS TP HCM tính theo đầu người dân vẫn quá ít so với các nước như Thái Lan, Campuchia, không đến 0,5 USD/năm. Số này tính trên cơ sở giá trị viện trợ quốc tế và ngân sách nhà nước (4,2 tỷ đồng/năm) cộng lại.

Lê Nhàn