BHYT: Giảm gánh nặng kinh tế cho người nhiễm HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 02/11/2016
Bảo hiểm y tế (BHYT) luôn là một trong các giải pháp tài chính bền vững giảm gánh nặng kinh tế cho người nhiễm HIV/AIDS, bảo đảm cho người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh liên tục, suốt đời và bảo vệ khỏi các rủi do về tài chính do các chi phí y tế.
Người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Dương. Ảnh: Thùy Chi

 

Gần 65% bệnh nhân đang sử dụng BHYT

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương, từ tháng 8/2015, Trung tâm đã ký hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội tỉnh triển khai thanh toán cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bằng BHYT. Tính đến nay, số lượng bệnh nhân sử dụng Thẻ BHYT khám và điều trị tăng từ 30% (trước tháng 8/2015) lên gần 65%.

Tổng số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm đạt trên 9.000 lượt người, trong đó trên 200 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội vào điều trị nội trú (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao).

Hoạt động điều trị ngoại trú được dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ toàn bộ các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh. Tính đến 30/6, số bệnh nhân điều trị ngoại trú bằng thuốc ARV tại Trung tâm và 4 bệnh viện đa khoa tuyến huyện là 1.298 bệnh nhân, trong đó có 69 bệnh nhi; trên 90% bệnh nhân điều trị ARV đã được dự phòng nhiễm lao bằng INH, ngoài ra gần 250 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị tại phòng khám ngoại trú ngoài tỉnh.

Việc chuyển giao điều trị bệnh nhân từ 4 phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế sang Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện đã được thực hiện từ tháng 7/2015, hiện nay phòng khám ngoại trú đã đi vào hoạt động ổn định.

Hiện 90% thuốc kháng virus ARV điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, nguồn lực này đang bị cắt giảm mạnh và sẽ kết thúc vào năm 2017. Nếu không có nguồn tài chính thay thế, nhiều người nhiễm HIV/AIDS sẽ không được tiếp cận điều trị, hoặc không được tiếp tục điều trị bằng thuốc ARV. Do đó, BHYT là một trong các giải pháp tài chính bền vững bảo đảm cho người dân được khám, chữa bệnh và bảo vệ khỏi các rủi do về tài chính do các chi phí y tế.

Trường hợp của gia đình anh N.Q.T. (thành phố Hải Dương), 2 vợ chồng anh chị đều lây nhiễm HIV và đang điều trị thuốc ARV, sau khi được các cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương tư vấn lợi ích sử dụng BHYT, 2 vợ chồng đã chủ động mua Thẻ BHYT để được tiếp tục điều trị ARV nếu thời gian tới không còn được điều trị miễn phí nữa.

Anh N.Q.T. cho hay, từ khi được điều trị ARV, sức khỏe của 2 vợ chồng anh chị đã được cải thiện rất nhiều. Hiện tinh thần và sức khỏe anh T. rất ổn định, anh T. đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị làm công việc mới, giúp trang trải thêm kinh tế cho gia đình.

Công tác vận động còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, không phải người nhiễm HIV/AIDS nào cũng sẵn sàng mua ngay Thẻ BHYT khi được tư vấn giống như gia đình anh N.Q.T. Chị P.T.V.A. (thành phố Hải Dương) cho biết, chị lây nhiễm HIV từ chồng, 2 vợ chồng chị đều đang được điều trị thuốc kháng ARV, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên chị P.T.V.A. được hỗ trợ theo diện nghèo. Công việc làm thêm của chị P.T.V.A hiện nay là đồng đẳng viên, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, phát hiện sớm tình trạng bệnh và sớm được tiếp cận điều trị ARV.

Bên cạnh đó, để giúp những người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bền vững khi nguồn thuốc điều trị ARV bị cắt, chị P.T.V.A. vận động họ mua Thẻ BHYT, tuy nhiên nhiều người cho biết, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên việc bỏ ra gần 1 triệu/năm để mua BHYT là rất khó. Trong quá trình vận động mọi người, nhiều người bày tỏ nguyện vọng được giảm thấp số tiền để có cơ hội sử dụng BHYT.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, BS. Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết: “Trong quá trình thống kê những bệnh nhân đang sử dụng BHYT, Trung tâm đã hướng dẫn các cán bộ thống kê lý do tại sao. Có mấy lý do, đa số vẫn là do bệnh nhân không mua BHYT vì điều kiện khó khăn. Trong trường hợp mua BHYT theo hộ gia đình để giảm chi phí thì cần phải có số tiền lớn, như vậy việc này không dễ thực hiện vì hầu hết những người nhiễm HIV/AIDS đều khó khăn”.

“Lý do nữa là hiện tại các dự án vẫn đang hỗ trợ thuốc ARV, do đó có những bệnh nhân vẫn nghe ngóng, đợi đến đầu năm 2017 khi kết thúc nguồn viện trợ, cấp thuốc miễn phí thì bệnh nhân mới mua BHYT”, BS. Nguyễn Thế Anh nói.

Bên cạnh đó, một số người bệnh lo ngại lộ danh tính khi sử dụng BHYT nên còn dè dặt. Thực tế, tại Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh có hơn 100 bệnh nhân điều trị đã lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị khi sử dụng BHYT. Một số khác cho hay, họ thuộc diện học nghề, hộ nghèo và đang đợi cấp.

Tránh tình trạng bệnh nhân “ỷ lại” vào hỗ trợ

BS. Nguyễn Thế Anh cho biết, vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND tỉnh, đề nghị, tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, vận động người nhiễm HIV/AIDS sử dụng BHYT tự nguyện đối với bệnh nhân chưa có Thẻ BHYT.

“UBND tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ cho khoảng 35% số bệnh nhân còn lại chưa sử dụng Thẻ BHYT. Việc hỗ trợ mua Thẻ BHYT là rất tốt cho những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên trong số gần 65% người đã sử dụng BHYT, có đến 50% người tự nguyện sử dụng BHYT, dễ dẫn đến việc bệnh nhân đã tự nguyện mua Thẻ “ỷ lại” để chờ nhà nước hỗ trợ”, BS. Nguyễn Thế Anh nói.

Theo BS. Thế Anh, tốt nhất nên có chính sách mua luôn 100%, hoặc không hỗ trợ mua để tránh trường hợp các bệnh nhân đã tự nguyện sử dụng BHYT dừng lại.

Ngoài ra, đa số người nhiễm HIV rất nghèo, trong số này có nhiều đối tượng nghiện hút ma túy, vì vậy, nhà nước nên có những chính sách tạo công ăn việc làm, ưu tiên cho những bệnh nhân. Nếu có chính sách mua BHYT cho người nhiễm thì sẽ bảo đảm được kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS ổn định, giúp người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục được điều trị thuốc ARV liên tục, suốt đời, như vậy sẽ ngăn chặn dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại.

Trong thời gian tới, để vận động gần 35% số người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, BS. Nguyễn Thế Anh cho biết, Hải Dương sẽ tiếp tục vận động trực tiếp người nhiễm HIV/AIDS tham gia bằng cách chứng minh lợi ích kinh tế khi tham gia BHYT. Tùy từng phác độ, bệnh nhân điều trị HIV/AIDS chi khoảng 6 triệu/năm, ngoài ra còn chi xét nghiệm và một số chi phí khác nên thường người bệnh sẽ phải trả khoảng 10 triệu/năm. Nhưng nếu người nhiễm HIV/AIDS sử dụng Thẻ BHYT thì chỉ phải chi 650.000/năm.

“Một vấn đề nữa người nhiễm HIV/AIDS cần lưu ý, nếu người bệnh không sử dụng BHYT thì rất khó tìm thuốc điều trị ARV, vì đây không phải là loại thuốc trôi nổi bán ngoài thị trường. Nên những người có tiền không tham gia sử dụng BHYT, sẽ không thể mua thuốc ARV để tự điều trị”, BS. Nguyễn Thế Anh nói.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và kéo dài suốt cuộc đời. Do vậy, tham gia BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV/AIDS giảm được gánh nặng về kinh tế. Được chăm sóc sức khỏe cũng như tham gia BHYT là quyền lợi của mỗi người dân. Do vậy, việc chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua BHYT là một việc làm hết sức cần thiết.