"Ở Bệnh viện tỉnh Lào Cai, trước mỗi ca đại phẫu, giám đốc thường phải lên truyền hình để kêu gọi hiến máu, nhưng hầu như chỉ có người thân, họ hàng hưởng ứng. Mà họ ngã giá rõ ràng, một đơn vị chí ít cũng 1 triệu đồng", Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí kể.
Lào Cai là một trong những tỉnh thiếu máu trầm trọng nhất. Nhiều lần lên công tác ở đây, ông Trí đã chứng kiến các bác sĩ phải chạy vạy như thế nào để có máu cho các ca mổ cấp cứu. Kêu gọi qua truyền hình không được trong lúc ca phẫu thuật vẫn phải tiến hành, có khi bác sĩ phải bịt miệng vết mổ trong lúc những nhân viên khác ra cổng bệnh viện hô hào, tìm người cho (dĩ nhiên là có trả tiền), có thể là anh xe ôm, người bán hàng hay khách qua đường. Và cuối cùng, thường họ vẫn phải lấy máu của chính các bác sĩ, y tá. Giám đốc bệnh viện và chủ nhiệm khoa sản chính là những người cho máu nhiều nhất.
Tình trạng trên cũng có ở rất nhiều tỉnh khác. Ông Nguyễn Anh Trí cho biết, ngoài mấy thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Huế, Vũng Tàu, tất cả các tỉnh đều thiếu máu. Năm 2004, mặc dù lượng máu thu gom được trong cả nước đã tăng 11% so với năm trước đó nhưng vẫn chỉ đáp ứng gần 23% nhu cầu thực tế. Hơn một nửa trong số đó được lấy từ người bán máu chuyên nghiệp nên chất lượng không cao.
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, người trực tiếp tham gia vận động hiến máu, kể: Trong một đợt phát động năm ngoái, các tuyến truyền viên đến tận nhà người dân và thu được 11.000 tờ đăng ký hiến máu. Lúc cần thu gom, họ gọi điện thì hầu hết đều thay đổi ý kiến, chỉ có 80 người đồng ý hiến và tới ngày đã định, chỉ 41 người đến.
Mấy năm nay, ngành huyết học cố gắng thay đổi đối tượng hiến máu, hướng vào các cơ quan, văn phòng thay vì trường đại học như trước đây. Nếu cán bộ, công chức trở thành lực lượng chính, các bệnh viện sẽ thoát khỏi tình trạng "giáp hạt" về máu vào dịp Tết và hè, khi phần lớn sinh viên đã về quê. Gần đây, bắt đầu có một số cơ quan doanh nghiệp tổ chức hiến máu nhân đạo, nhưng phần lớn vẫn thờ ơ với việc này. Năm ngoái, Viện Huyết học truyền máu đã gửi 300 thư cho giám đốc các doanh nghiệp kêu gọi hiến máu, nhưng chỉ nhận được 12 thư trả lời; trong đó 4 thư từ chối với lý do "chúng tôi rất bận, không tổ chức hiến được".
Vì khan hiếm, nhiều khi các bệnh viện phải lấy máu của thân nhân người bệnh. "Mọi người thường nghĩ rằng lấy máu của người nhà thì sẽ an toàn, nhưng không phải thế" - ông Trí nói. "Do không có thói quen thử máu định kỳ nên ít người biết được trong máu mình có gì, trong khi tỷ lệ nhiễm virus viêm gan và các mầm bệnh khác hiện rất cao. Mặt khác, do muốn được mổ sớm nên nhiều gia đình đưa người bán máu chuyên nghiệp hoặc ai đó mà họ tìm được vào gặp bác sĩ và nhận là người nhà". Cũng vì khan hiếm, nhiều nơi vừa trả tiền cho người bán máu vừa phải cấp giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo cho họ mặc dù theo quy định, giấy này chỉ được cấp cho người hiến không lấy tiền để yêu cầu bồi hoàn máu khi cần. Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện không lấy tiền năm 2004 là 44% theo thống kê. Nhưng trên thực tế, con số này chỉ đạt khoảng 25% vì nhiều người bán máu vẫn đòi cấp giấy chứng nhận.
"Xót xa nhất là có những lúc phải từ chối người hiến máu, chỉ vì không có điều kiện bảo quản" - ông Trí ngậm ngùi. Máu thu được chỉ có thể giữ tối đa 42 ngày, vì vậy cần phải có một lượng người hiến vừa đủ và thường xuyên. Nhưng thực tế không được như vậy. Tại các địa phương, do tổ chức không tốt, lại không phối hợp chặt chẽ với trung ương nên khi thì chẳng có ai hiến, khi thì quá đông. Tại Thái Bình, trong một cuộc phát động có 560 người muốn hiến máu. Nhưng bệnh viện chỉ có thể lấy 15 người, nếu lấy hơn thì không dùng hết, mà điều kiện bảo quản không có. Khi Viện huyết học biết tin về đến nơi thì mọi người đã giải tán.
Viện Huyết học đang cố gắng khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa thừa này bằng cách ký hợp đồng cung cấp máu với một số tỉnh. Viện sẽ đứng ra tổ chức thu gom máu ở địa phương rồi đưa về Hà Nội và sẽ chuyển cho bệnh viện tỉnh khi có yêu cầu. Trong tương lai, việc thu gom và bảo quản máu sẽ hoàn toàn do các trung tâm truyền máu đảm nhiệm. Các bệnh viện, do không thể có đủ phương tiện và kỹ thuật nên sẽ không còn đảm đương nhiệm vụ này.
Thanh Nhàn
▪ Thuốc từ cây ngưu bàng (06/04/2005)
▪ Hội chứng chân tay miệng rất nguy hiểm cho trẻ em (06/04/2005)
▪ Thủy đậu: đã chích ngừa sao vẫn mắc bệnh? (05/04/2005)
▪ Viêm tủy răng (06/04/2005)
▪ Lần đầu tiên xuất hiện virus cúm gà dòng H7 ở châu Á (05/04/2005)
▪ U ở tầng sinh môn (05/04/2005)
▪ BV Nhi Trung ương 'ngập' bệnh nhân (05/04/2005)
▪ Cúm A xuất hiện ở Hà Tĩnh (05/04/2005)
▪ Xuất hiện 'em bé nylon' ở Sóc Trăng (05/04/2005)
▪ Khởi công xây dựng một bệnh viện tư lớn ở TP HCM (05/04/2005)