Tự lực, tự cam kết
Các Website khác - 29/11/2008
   
 

Hiện nay trên toàn quốc có trên 120 nhóm Tự lực của người sống chung với HIV/AIDS. Có nhóm thì được hỗ trợ từ các Tổ chức trong nước và quốc tế, nhưng cũng có nhóm tự thân vận động. Sự hiện diện của các nhóm này đã giúp cho người có HIV sống tự tin và thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như cơ hội chia sẻ. Các nhóm đang có nhu cầu thành lập một Mạng lưới quốc gia của những người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm tăng cường cam kết sự tham gia của người sống chung với HIV/AIDS trong các hoạt động phòng, chống HIV tại Việt Nam.          

           

Mạng lưới kết nối yêu thương!

Sau gần hai năm chuẩn bị, tháng 8.2008 tại Hà Nội, đại diện của các nhóm Tự lực trên toàn quốc đã đứng ra tổ chức hội thảo tìm hướng thành lập Mạng lưới những người sống chung với HIV. Mục đích là để kết nối thông tin chung, chia sẻ giữa các nhóm, vận động hỗ trợ của các tổ cức, cá nhân. Trao đổi kinh nghiệm để tăng cường sự tham gia và khẳng định vai trò của người có HIV trong các hoạt động chăm sóc, điều trị và dự phòng HIV/AIDS. Phát triển mạng lưới là cơ hội tốt giúp cho các nhóm thành viên xóa bỏ rào cản kì thị, phân biệt đối xử. Nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Việc duy trì các nhóm Tự lực không khó. Vì bản thân nhóm tự đứng ra tổ chức và hoạt động. Còn nếu quá phụ thuộc vào các nguồn tài trợ sẽ không duy trì lâu được. Mục tiêu không phải để thu hút các nguồn từ dự án mà là để người nhiễm HIV tự giúp nhau. Các thành viên có thể đến thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt.

Đời sống của người có HIV tuy có khó khăn về kinh tế nhưng không vì thế mà họ ỷ lại, chứng tỏ mình là người có H, không làm được gì, cần phải ưu tiên. Công việc là bình đẳng cho tất cả mọi người. Tất nhiên, ở nông thôn người nhiễm dễ "thở" hơn. Họ có thể làm các công việc đồng áng. Còn ở thành thị, tìm việc là điều nan giải nếu không có sức khỏe, không có bằng cấp, không có kiến thức. Vả lại sự kì thị và phân biệt đối xử của người có HIV của cộng đồng cũng có ảnh hưởng ít nhiều khi họ đi xin việc.

Phong trào 4 tự của người nhiễm HIV (tự lập, tự tin, tự giác, tự công khai) thì tự công khai chưa có môi trường thuận lợi để thể hiện, khi mà sự kì thị vẫn còn hiện diện trong xã hội.

Vì tiếng nói chung của người nhiễm HIV

Quản lý nhóm Tự lực là một việc không phải là sự chỉ đạo từ trên xuống mà phải thực hiện công việc mà các thành viên giao cho các cán bộ nòng cốt. Người quản lý nhóm cũng phải được các thành viên tín nhiệm giao phó nhiệm vụ. Mỗi thành viên một ý tưởng, một ý kiến khác nhau, người quản lý phải biết thâu tóm, kết hợp hài hòa để thay mặt họ nói lên tiếng nói chung của người có HIV.

Trao đổi về sự cam kết thực hiện tham gia phòng, chống HIV/AIDS của của nhóm Tự lực, anh Phạm Quốc Hùng, thành viên Ban Điều hành cho biết: "Hiện tại Mạng lưới mới chỉ đang thảo luận, chưa chính thức thành lập. Nhưng chiến lược của Mạng lưới đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của các nhóm Tự lực hiện có về các hoạt động. Đó là việc nâng cao năng lực cho những người có HIV; chia sẻ và điều phối thông tin; chống kì thị và phân biệt đối xử; tăng cường vận động tiếp cận điều trị; phát triển mạng lưới cà thu hút sự tham gia của người có HIV; vận động chính sách từ các tổ chức trong nước, quốc tế; duy trì thực hiện và giám sát hoạt động".

Hy vọng, Mạng lưới những người sống chung với HIV sẽ phát huy hết năng lực của các nhóm Tự lực, giúp người có HIV sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn và tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV rộng ra cộng đồng.

Viên Chi
                                                                                                  Theo Vaac.gov.vn