Với 67 Nhóm (còn gọi là Tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng - CBO) do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thành lập tại 33 tỉnh, thành phố đã thu hút hàng nghìn người nghiện, người sau cai nghiện tham gia (mỗi Nhóm có từ 10-300 thành viên). Với tinh thần động viên, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, hàng trăm người của các Nhóm này đã từ bỏ được ma túy, điều trị bằng Methadone, nâng cao thể lực, có công ăn việc làm chân chính, cải thiện điều kiện sống.
Không những vậy, họ là những thành viên tích cực trong công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ giảm tác hại với những người liên quan đến ma túy, mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS. Các Nhóm do SCDI thành lập và đỡ đầu đang là các CBOs hoạt động có hiệu quả thiết thực nhất hiện nay.
![]() |
Các đồng đẳng viên chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Câu lạc bộ. Ảnh Nhật Thy |
Tại An Giang, mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” được thực hiện bài bản với một hệ thống các hoạt động thành một chu trình khép kín như nâng cao năng lực cho người cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện (tư vấn cá nhân và nhóm; nâng cao, cải thiện dịch vụ y tế; nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi; kết nối cơ sở cai nghiện với gia đình và học viên). Đồng thời hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng (tổ chức tiếp cận và tiếp nhận người hồi gia từ cơ sở cai nghiện trở về; tiếp cận tư vấn; cải thiện sinh kế, tư vấn và kết nối việc làm cho người hồi gia).
Câu lạc bộ chú trọng các hoạt động điều phối, trong đó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đóng vai trò đầu mối điều phối các hoạt động của cơ sở cai nghiện với các phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và Câu lạc bộ. Huy động sự tham gia ủng hộ của người dân, người hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc hỗ trợ vốn, tạo việc làm.
Tính đến tháng 12/2015, toàn tỉnh An Giang có 148 người sau cai chưa tái nghiện, trong đó có 112 người đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ (tuy nhiên, số người sau cai từ 3 năm trở lên chưa tái nghiện không nhiều). Bằng các nguồn vốn, đã cho 92 người vay làm ăn với số tiền 364 triệu đồng, xây 6 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 8 căn, tặng quà trị giá 36 triệu đồng cho 120 người, giới thiệu 59 lượt người tìm việc làm.
Tại tỉnh Quảng Ninh thí điểm thành lập các Câu lạc bộ “Hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuy tái hòa nhập cộng đồng” tại các địa bàn trọng điểm có nhiều người nghiện ma túy, thành viên Câu lạc bộ là những người hoàn thành chương trình cai nghiện tại các Cơ sở cai nghiện, với sự hướng dẫn của Chi cục PCTNXH và sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp. Điển hình như các Câu lạc bộ “Vượt sóng” ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn; Câu lạc bộ “Sinh thái An bình” ở phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí. Cũng như các Câu lạc bộ “Nối chung vòng tay”, “Hoa sim tím”, “Cành cọ xanh”... của tỉnh Phú Thọ đã và đang giúp cho những người sau cai nghiện ma túy có thêm động lực, quyết tâm từ bỏ ma túy, góp phần chuyển biến rõ rệt trong trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
Mô hình các Tổ, Nhóm, các Câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện, sau cai nghiện đã hình thành và phát triển tại hàng chục tỉnh, thành phố với các tên gọi, các hình thức hoạt động khác nhau đang là nhân tố đóng góp tích cực cho công tác cai nghiện.
▪ Củng cố hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS (21/12/2016)
▪ Mô hình xét nghiệm HIV: Chiến lược ‘hứa hẹn’ tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV trong cộng đồng (19/12/2016)
▪ Ngăn chặn mại dâm là giảm áp lực chống ma túy (05/12/2016)
▪ Chia sẻ kinh nghiệm để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV (02/12/2016)
▪ Phòng chống HIV, ma tuý: Chú trọng từ y tế thôn bản (14/11/2016)
▪ Bến Tre: Tăng cường phòng chống ma tuý trong trường học (28/10/2016)
▪ Cần tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong các khu công nghiệp (22/10/2016)
▪ Thúc đẩy cộng đồng tiếp cận xét nghiệm HIV (04/10/2016)
▪ Khai trương dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV “thân thiện” tại cộng đồng (24/09/2016)
▪ Vĩnh Phúc: Dự phòng lây truyền HIV cho người đồng tính (20/09/2016)