Sẽ sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS…để chấm dứt đại dịch HIV
Báo Tiếng Chuông - 29/09/2017
Luật Phòng, chống HIV/AIDS sẽ có một số thay đổi để phù hợp với điều kiện mới, Việt Nam sẽ dồn tổng lực vào năm 2020 để đạt mục tiêu năm 2030 chấm dứt đại dịch HIV.
Ảnh minh họa

 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, đơn vị đang làm dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS và sẽ trình Quốc hội vào năm 2018.

Lý do thay đổi Luật là hiện nay HIV/AIDS có nhiều thay đổi về chuyên môn, vì vậy một số văn bản pháp lý có sự chồng chéo, bất cập.

Đồng thời, nguồn lực cũng có sự thay đổi do cắt giảm viện trợ nên chính sách cũng cần thay đổi để huy động thêm các nguồn lực thay thế.

Đến cuối năm 2017, nguồn viện trợ của các tổ chức cho hoạt động phòng, chống AIDS như: PEPFAR, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét, Dự án ADB… sẽ kết thúc. Do đó, nguồn kinh phí chỉ còn trông chờ vào ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, quỹ bảo hiểm y tế, thu phí…

Tuy nhiên, hiện nguồn ngân sách trung ương và tại nhiều địa phương khá hạn hẹp. Đến nay vẫn còn 9 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định và Bình Phước) chưa phê duyệt kế hoạch và kinh phí cho đề án phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030.

Dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS sẽ có 18 nội dung thay đổi, trong đó có một số vấn đề trọng tâm như liên quan điều trị giai đoạn cuối, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, xét nghiệm dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai sẽ không còn miễn phí, vì trước đây có viện trợ, bây giờ không có nguồn.

“Vấn đề xét nghiệm miễn phí cho phụ nữ mang thai, chúng ta mong muốn như vậy. Nhưng trước đây thì có nguồn viện trợ, giờ không có tiền mà bảo miễn phí là không có nguồn. Do đó, chúng tôi đề xuất có thể là do người dân tự chi trả, hoặc bảo hiểm y tế, hoặc là nhờ nguồn viện trợ nếu có. Chúng ta cần phải làm phong phú nguồn lực”, ông Long cho hay.

Theo thống kế của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 4.540 người nhiễm HIV và 2.312 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó khoảng 800 người đã tử vong.

Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã giảm, nhưng giảm chưa sâu, chưa ổn định. Đặc biệt là có sự gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục và trong nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp.

Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam nhận định: Việt Nam còn rất nhiều thách thức trên chặng đường hoàn tất các chỉ tiêu phòng, chống HIV của Quốc gia vào năm 2030. Cụ thể là, dịch mới nổi trong nhóm nguy cơ cao và các bạn tình của họ theo chiều hướng phức tạp. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm rất lớn. Đây là thách thức buộc phải dành nhiều hơn nữa nguồn ngân sách của Chính phủ và linh hoạt các biện pháp để bảo đảm điều trị bằng thuốc ARV có chất lượng, không bị gián đoạn cho tất cả người nhiễm HIV thông qua bảo hiểm y tế.