Các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi những người bị oan sai trong vụ án "vườn điều"
Các Website khác - 20/01/2006
Sáng 20-1, tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, đại diện lãnh đạo Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai các công dân bị oan sai trong vụ án " vườn điều" xảy ra ở địa phương này từ cuối tháng 5-1993.
Tám công dân nói trên gồm: Nguyễn Thị Lâm; Trần Văn Sáng; Nguyễn Văn Sơn; Nguyễn Văn Tiền; Trần Thanh Vân; Trần Thanh An; Nguyễn Thị Tiến; Nguyễn Thị Cẩm cùng đại diện chính quyền, mặt trận và đông đảo bà con Tân Minh tham dự.

Thay mặt lãnh đạo ba cơ quan, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận đã báo cáo tóm tắt quá trình diễn biến của vụ án phức tạp này. Theo đó, ngày 21-5-1993, một số người dân ở đội 10 - HTX 2 - xã Tân Minh, phát hiện một xác chết trong vườn điều nhà ông Hai Hoàng, nạn nhân là bà Dương Thị Mỹ, một người dân địa phương, nhưng lúc ấy cơ quan điều tra không tìm ra thủ phạm. (Do vậy, mới có tên là vụ án "vườn điều").

Tháng 4-1998, cũng tại đây xảy ra vụ án giết người, cướp tài sản, nạn nhân là bà Lê Thị Bông, hung thủ gây án là Huỳnh Văn Nén. Trong quá trình điều tra vụ án này, Huỳnh Văn Nén khai nhận vụ án giết bà Dương Thị Mỹ là do Nguyễn Thị Nhung - chị vợ Nén - cùng những thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm - mẹ vợ Nén) tổ chức thực hiện để đánh ghen vào rạng sáng 19-5-1993.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 22 ngày 7-3-2001, TAND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt bà Lâm 10 năm tù; anh Sơn 8 năm tù; anh Tiền 8 năm tù; chị Tiến 6 năm 6 tháng tù; anh Sáng 3 năm tù và Huỳnh Văn Nén 6 năm tù về tội "giết người". Riêng Huỳnh Văn Nén buộc chấp hành án tù chung thân trong vụ án bà Bông. Trước đó, chị Nguyễn Thị Nhung bị bệnh chết, TAND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với chị Nhung; Vân; An và Cẩm được Viện KSND tỉnh Bình Thuận miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trừ Huỳnh Văn Nén, tất cả những người còn lại đều kháng cáo và kêu oan.

Sau đó, vụ án này được tiếp tục xét xử thêm nhiều lần, nhiều cấp. Do có kháng cáo kêu oan và xét thấy chưa đủ căn cứ buộc tội, nên bản án số 302 ngày 11-3-2005 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, đồng thời kiến nghị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an điều tra lại vụ án. Ngày 26-12-2005, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra bị can đối với bà Nguyễn Thị Lâm; anh Nguyễn Văn Sơn; anh Nguyễn Văn Tiền; chị Nguyễn Thị Tiến và Huỳnh Văn Nén.

Như vậy, tám thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm đã bị Cơ quan CSĐT - Công an Bình Thuận; Viện KSND và TAND tỉnh Bình Thuận điều tra, truy tố, xét xử oan sai, làm nhiều người phải ngồi tù oan trong nhiều năm. Trong thời gian dài, gia đình bà Lâm bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần, tâm lý; kinh tế gia đình giảm sút; gia đình bị ly tán.

Bà Nguyễn Thị Lâm và các thành viên gia đình cảm ơn Đảng, Nhà nước đã sáng suốt, công tâm minh oan cho gia đình mình; đề nghị các ngành chức năng nhanh chóng tìm ra thủ phạm thật sự đã giết bà Dương Thị Mỹ và kể cả vụ án bà Lê Thị Bông, đồng thời xử lý nghiêm những người đã trực tiếp tạo ra nỗi oan này.

Đây là lần đầu tiên các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận tiến hành xin lỗi công khai những người bị oan sai theo tinh thần Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

DƯƠNG HỒNG LÂM