Loay hoay việc dạy, học thêm
Các Website khác - 21/02/2009
 Tại diễn đàn của Bộ GD&ĐT, có rất nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề dạy thêm, học thêm. Nhiều người bày tỏ không nên bỏ việc dạy, học thêm nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy, học thêm không lành mạnh và không có tác dụng.

Qua nhiều phân tích, kỹ sư điều khiển học Trần Tấn Chức (email [email protected]) cho rằng, dạy học thêm hầu như không có mục đích nâng cao dân trí mà trái lại góp phần tạo ra sự quá tải, làm lụi tàn khả năng tư duy của học sinh. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, trước hết, phải đảm bảo được đời sống cho giáo viên và nghiêm cấm tuyệt đối vấn nạn dạy, học thêm, đảm bảo các bài giảng ở trường của giáo viên truyền tải được tất cả nội dung trong chương trình và đúng sư phạm.
 
Bạn đọc có email [email protected] cho biết: Tôi là phụ huynh đã từng có con đi học thêm, đã từng phải nhịn ăn, nhịn mặc, chạy tiền cho con đi học thêm, đã từng nằm bệnh viện vì gãy tay do một nam sinh cũng đang vội vã đi học thêm tông phải nên cá nhân tôi không ủng hộ lắm việc đi học thêm.
 
Cũng phản ứng về việc dạy thêm học thêm, phụ huynh có email [email protected] cho biết: Bản thân tôi có con học tiểu học ở một trường khá có tên tuổi tại quận Đống Đa (Hà Nội) và đã quá mệt mỏi về chuyện cô giáo tổ chức dạy thêm. Nếu không tham dự vào lớp học thêm do cô tổ chức thì đến lớp sẽ thấy ngay được phản ứng của cô giáo như: phải ngồi xuống bàn cuối cùng của lớp dù những bạn khác cao lớn hơn vẫn được xếp lên trên, tham gia phát biểu xây dựng bài cô cũng lờ đi không gọi...
 
Giáo viên Nguyễn Mạnh Hùng, Trường THCS Nguyễn Du, Đăk Glong, Đăk Nông (email [email protected]. vn) cho biết: mình là giáo viên đã công tác tại trường vùng sâu, vùng xa 7 năm rồi nhưng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện dạy thêm, học thêm để lấy tiền. Mặc dù vậy, ở địa phương, học sinh vẫn đủ kiến thức để học tiếp lên các lớp.
 
Về phía phụ huynh học sinh, nhiều ý kiến đưa ra đều thống nhất không nên đổ lỗi cho nhà trường mà trước hết gia đình nên quản việc học của con cái ở nhà. Theo bạn đọc ở email [email protected]: Để tránh tình trạng con tôi không thể làm những bài toán nâng cao trong lớp, gia đình đề nghị cháu (trong những giờ đáng lẽ phải đi học thêm), làm thêm những bài trong các sách tham khảo. Nếu không biết thì điện thoại hỏi thêm. Sau một thời gian, cháu nhà tôi tiến bộ hơn trong việc tự học và có thời gian hơn để đọc báo, xem phim, hoặc sáng tác mỹ thuật.
 
Bạn đọc tại email [email protected] cũng cho biết: Dạy thêm là điều cần thiết. Kiến thức chỉ tỉ lệ thuận với những ai học nhiều. Vậy tại sao lại cấm dạy thêm học thêm. Nhưng làm thế nào để hạn chế tiêu cực trong học thêm? Theo tôi, học sinh có nhu cầu học môn gì, thầy cô sẽ đáp ứng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, thầy cô bộ môn không được ra đề mà hiệu phó chuyên môn nên lên mạng lấy đề thi theo từng học phần của môn học đúng với phân phối chương trình. Còn phía Bộ GD&ĐT, nên xây dựng ngân hàng đề cho tất cả các môn theo phân phối chương trình.
 
Theo phụ huynh học sinh ở  email [email protected]: Bản thân việc dạy thêm học thêm là điều tốt. Song hiện nay việc dạy thêm đã bị quá lạm dụng cho việc nâng cao thu nhập của giáo viên trực tiếp dạy học sinh. Để chống tiêu cực trong dạy thêm học thêm, đề nghị Bộ GD&ĐT quy định: Giáo viên dạy thêm phải báo cáo với nhà trường quản lý về thời gian, địa điểm, số học sinh trực tiếp dạy, số học sinh trong trường trong tổng số học sinh lớp dạy thêm. Số học sinh học thêm phải dưới 50% trên tổng số học sinh của lớp. 
 
“Cấm dạy thêm nếu có tiêu cực”
 
Trước đây, Viện Nghiên cứu Giáo dục TP Hồ Chí Minh đã thực hiện một đề tài liên quan đến vấn đề này và kết luận một số điểm chính: Nhu cầu học thêm là một nhu cầu thật của phụ huynh và học sinh; nguyên nhân do chương trình quá nặng, thời gian phân phối cho việc giảng dạy, học tập không thích hợp. Thực tế, một số giáo viên dùng điểm để ép học sinh học thêm. Do đó, nên cấm loại dạy thêm, học thêm trong trường hợp này.
 
(Nguyễn Phụng Hoàng, email [email protected])
 
“Nếu cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, nên làm triệt để”
 
Thực ra không phải gia đình không có điều kiện cho con học thêm nhưng tôi thấy, nếu học thêm thì nên đầu tư những kiến thức khác giúp ích cho tương lai của cháu sau này. Tôi không muốn bỏ thời gian công sức để cho con học trước những gì cô dạy sẽ dạy trên lớp hoặc chỉ để dành dạy ở lớp học thêm. Nếu có chủ trương cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, nên làm  triệt để, giúp các cháu có thời gian tự học và nghỉ ngơi.  
 

“Phụ đạo học sinh yếu kém tại trường nếu cần thiết”

Vì bệnh thành tích của một số năm trước, hiện một số học sinh ngồi nhầm lớp vẫn còn. Vì thế, để hạn chế dạy thêm, học thêm nhưng học sinh yếu kém vẫn có điều kiện được bồi dưỡng, nên chăng cần tổ chức giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh khá giỏi và dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém ngay tại trường và trả thù lao tương xứng.
 
(Nguyễn Mạnh Hùng, GV Trường THCS Nguyễn Du – ĐăkGlong - ĐăkNông)
 
Theo Giadinh.net