Tâm sự của những người chấp nhận “cái chết giả”
Báo Tiếng chuông - 25/05/2016
Những người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay đang phải chấp nhận “cái chết giả”. Họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ của họ nói rằng đây không phải là họ. Cái người trên giấy tờ dường như đã chết, những người còn sống lấy cái gì chứng minh được họ là ai, lấy cái gì chứng minh được bằng cấp này là tên của họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước.

Phải mặc váy mới được nhận vào làm

Chu Thanh Hà, 26 tuổi là một người chuyển giới nam. Hà công khai mình là người chuyển giới từ năm 2013. Là một cử nhân tốt nghiệp đại học, mặc dù có năng lực nhưng Hà đã bị từ chối ở nhiều nơi xin việc bởi lý lịch là con gái nhưng lại ăn mặc, cư xử như con trai.

“Có nơi, đến xin việc, người ta bảo phải cư xử mềm mại và mặc váy thì sẽ được nhận vào làm”, Hà chia sẻ. Tuy nhiên, Hà thà chấp nhận làm một việc chân tay lương thấp còn hơn là phải mặc váy đi làm công sở để kiếm tiến.

Một vấn đề nữa mà Hà cũng như các bạn chuyển giới nam gặp phải đó là việc lựa chọn nhà vệ sinh. Hà cho biết, đó là một vấn đề rất kinh khủng, nhiều bạn đã bị tấn công ở những khu vệ sinh vắng vẻ.

Tuy nhiên, Hà cho biết, những điều đó chưa là gì so với việc tự tay tiêm hooc-môn vào cơ thể.

“Em đã dùng hooc-môn được 5 tháng. Tuy nhiên, em luôn cảm thấy đơn độc, khó khăn khi tiếp cận nguồn thuốc. Loại thuốc em đang dùng cũng là do truyền miệng, người này bảo người kia. Hơn thế nữa, không ai dạy chúng em phải tiêm như thế nào, tiêm vào đâu. Nhiều khi đâm kim vào đùi nhưng không đúng, lại phải rút ra đâm lại. Cảm giác tự tiêm vào đùi mình đau đớn lắm. Bao nhiêu rủi ro cũng đã được cảnh báo, nhưng khi dùng thuốc, mình nhận ra mình được cái gì, mất cái gì, mình phải đánh đổi gì. Chúng em chấp nhận để được làm chính mình”, Hà chia sẻ.

 

Một người chuyển giới nam

 

Không giống như Hà, Nguyễn Minh Q., một người chuyển giới nữ nhưng chưa phẫu thuật lại không dám “come out”, không dám sống thật với giới tính của mình.

Q. có cảm nhận về giới từ rất nhỏ. Tuy nhiên, đến khi học cấp 2, Q. không xác định được mình như thế nào bởi sự phát triển cơ thể không được như mình  cảm nhận. Q. đã mất 8 năm bị trầm cảm vì không xác định được giới tính của mình.

10 năm trước, tài liệu về chuyển giới còn hiếm, Q. tự mày mò tìm hiểu về người chuyển giới thông qua những người nổi tiếng như Cindy Thái Tài, Ái Xuân. Sau đó, Q. tự tìm hiểu các loại thuốc được truyền miệng và tiêm cho mình. Những năm đại học, Q. mặc váy, sống như một người con gái. Tuy nhiên, đến khi đi xin việc lại khác. Mặc dù tốt nghiệp loại khá Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh nhưng suốt 2 năm Q. không thể xin được việc.

“Tất cả những bài kiểm tra năng lực em đều vượt qua, nhưng người ta bảo em phải thay đổi bản thân vì hình dạng em khi đó không phù hợp với văn hóa công ty, không phù hợp với pháp luật”, Q kể lại.

Và để tìm việc làm, Q. đã bắt buộc mình phải thay đổi. Q. ép bản thân để nâng trọng lượng cơ thể từ 45 kg lên 75 kg và học cách cư xử như một người đàn ông. Và với việc giấu đi con người thật của mình, Q. được nhận làm giảng viên một trường đại học tại Đồng Nai.

Q. chia sẻ, khi Luật chuyển đổi giới tính có hiệu lực, Q. sẽ thực hiện phẫu thuật và sống đúng với bản dạng giới của mình. Tuy nhiên, Q vẫn nơm nớp lo sợ sự kỳ thị của xã hội.

Q. cũng khuyên các bạn trong cộng đồng, trước khi có ý định “come out” hãy tự trang bị cho mình một hành trang, kiến thức và công việc rồi “come out từ từ, nửa kín nửa mở” để tạo điều kiện cho người khác hiểu mình, khi đó mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

Để không ai phải “chết giả

Nguyễn Thanh Mai, một người chuyển giới nam nhưng chưa phẫu thuật cho biết, trong cộng đồng người chuyển giới, không phải ai cũng có đủ điều kiện, sự dũng cảm để thực hiện phẫu thuật. Hiện Luật đã cho phép chuyển giới, nhưng những bạn chưa phẫu thuật liệu cũng có thể được là chính mình trên giấy tờ và được xã hội thừa nhận?

“Những người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay đang phải chấp nhận “cái chết giả”. Họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ của họ nói rằng đây không phải là họ. Cái người trên giấy tờ dường như đã chết, những người còn sống lấy cái gì chứng minh được họ là ai, lấy cái gì chứng minh được bằng cấp này là tên của họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”, Thanh Mai nói.

Thanh Mai hy vọng, những điều đó có thể được quy định trong luật để người chuyển giới được thực sự sống và những người không có khả năng thực hiện chuyển giới được công nhận đúng giới tính của mình. Bên cạnh đó Thanh Mai cũng mong rằng, các cơ quan chức năng cung cấp thêm nhiều thông tin, nguồn kiến thức để mọi người có thể hiểu hơn về người chuyển giới, giúp họ không bị kỳ thị, được sống là chính mình.

 

Hy sa B, Hoa hậu chuyển giới 2015

 

Còn đối với Hy sa B, Hoa hậu chuyển giới 2015, người chuyển giới Việt gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là phải vượt qua định kiến của mỗi người khi cảm thấy mình "khác" với mọi người. Ngoài ra, do định kiến xã hội, người chuyển giới vẫn chưa thể làm được những công việc họ mong muốn. Tuy nhiên theo Hy sa B, đó cũng là cơ hội để người chuyển giới mạnh mẽ vượt qua những định kiến về bản thân và chứng minh cho xã hội thấy rằng: họ vẫn xứng đáng được xã hội chấp nhận.