Ngại tham gia bảo hiểm y tế vì nỗi lo lộ thân phận
Báo Tiếng chuông - 30/09/2016
Vì vẫn chưa được coi là “bệnh thông thường” nên người nhiễm HIV mong, sẽ có những quy định cởi mở hơn khi điều trị trong thời gian tới, để việc tái khám, uống thuốc đúng giờ của họ được tuân thủ, bảo đảm, tránh gây nguy hiểm kháng thuốc do những vấn đề khó khăn liên quan đến bảo hiểm y tế (BHYT).

Tư vấn điều trị HIV cho người nhiễm - Ảnh minh họa

 

Thời điểm này, thông tin về các tổ chức quốc tế cắt giảm nguồn viện trợ và tiến tới kết thúc viện trợ thuốc ARV vào năm 2017 - tức người điều trị HIV sẽ không được phát thuốc miễn phí như trước đã được hầu hết bệnh nhân đang điều trị HIV bằng thuốc ARV biết được. Thậm chí, ở một số cơ sở chuyên khoa điều trị HIV, nhân viên y tế sau khi tư vấn đã yêu cầu người bệnh ký vào bản xác nhận việc đã được nghe phổ biến thông tin về vấn đề này để về sau không còn thắc mắc.

Bên cạnh đó, câu hỏi: “Có thẻ BHYT chưa?” cũng liên tục được đặt ra vì khi không được cấp thuốc miễn phí, việc người bệnh tham gia BHYT để giảm thiểu chi phí mua thuốc và các điều trị khác là điều rất cần thiết.

Trước thắc mắc, “BHYT sẽ chi trả bao nhiêu phần trăm chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV?”, bà Nguyễn Thị Tám, Trưởng phòng Giám định II, BHXH TP. Hà Nội cho biết: "Theo Luật BHYT được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP: Những người nhiễm bệnh HIV/AIDS khi tới đăng ký tham gia BHYT thuộc vào đối tượng nào được quy định tại Luật thì sẽ được hưởng quyền lợi của đối tượng đó. Đồng thời, danh mục thuốc của người nhiễm HIV sẽ được BHYT chi trả tiền điều trị giống như bất kỳ đối tượng khác. Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BYT, người nhiễm HIV/AIDS thuộc từng nhóm đối tượng cũng sẽ được hưởng các mức hỗ trợ chi trả phí khám, chữa bệnh theo các mức khác nhau”.

Việc tham gia BHYT tự nguyện đối với người nhiễm HIV làm nông nghiệp hay lao động tự do là một trong những khó khăn, vì theo quy định họ phải mua BHYT hộ gia đình mà đa phần gia đình người nhiễm HIV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên việc mua BHYT cho cả gia đình, nhất là với những hộ đông thành viên chỉ để phục vụ nhu cầu thường xuyên của một người là điều khá bất cập.

Thêm nữa, việc thanh toán, chi trả BHYT chưa thông giữa các tỉnh cũng khiến người nhiễm HIV đau đầu, vì nhiều người mua BHYT ở tỉnh A nhưng sang tỉnh B làm việc, nếu muốn khám, lấy thuốc theo thẻ BHYT lại phải về tỉnh A.

“Quy định của BHYT chỉ có chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên mà không có chuyển sang ngang. Ví như tôi mua BHYT ở một huyện tại Bắc Giang, do làm việc tại Hà Nội nên tôi muốn chuyển BHYT của mình lên một Trung tâm y tế một quận tại Hà Nội nhưng được nhân viên bảo hiểm trả lời là không chuyển được. Muốn mua BHYT tại Hà Nội, tôi lại làm thủ tục từ đầu, gồm nhiều giấy tờ, trong đó có sổ tạm trú dài hạn. Thật sự rất khó cho chúng tôi…”, anh Văn Biển, SN 1992, quê Bắc Giang nói.

Ngoài những bất cập trên thì điều trăn trở hơn với người nhiễm HIV khi tham gia BHYT, đó là việc họ lo lắng lộ thân phận và tình trạng bệnh với cơ quan, đơn vị mình đang công tác và nơi mình sinh sống. Khi đăng ký tham gia BHYT, người mua đều phải ghi chính xác số điện thoại, địa chỉ cơ quan, nơi cư trú nên họ lo ngại, nếu thanh toán điều trị HIV bằng thẻ BHYT, không biết thông tin về bệnh của mình có bị tiết lộ không vì nếu lộ, họ khó có cơ hội được sống yên ổn như trước. Đây là lý do chỉ có 30% người nhiễm HIV có thẻ BHYT và không phải tất cả họ đều chủ động sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, cũng là một người nhiễm HIV, anh Văn Biển lại rất tự tin: “Vấn đề bảo mật thông tin của cơ quan bảo hiểm tôi nghĩ rất tốt. Qua tìm hiểu tôi được biết, việc thanh toán khám chữa bệnh sẽ không được thông báo về cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác mà được thực hiện giữa đơn vị khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm. Vì vậy, người nhiễm HIV không nên lo ngại điều này…”.