Chuyện những y bác sỹ trong cơ sở điều trị nghiện
Báo Tiếng chuông - 27/02/2017
Áp lực công việc, nguy cơ phơi nhiễm HIV, bị học viên kích động hành hung là những gì mà các y, bác sỹ tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động Xã hội số V Hà Nội (Trung tâm số V) phải đối mặt. Nhưng với lòng yêu nghề, các y, bác sĩ vẫn tận tâm chăm sóc, an ủi, động viên, tư vấn cho nhiều người từ bỏ ma túy.
Y, bác sỹ tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động Xã hội số V Hà Nội khám sức khoẻ cho học viên cai nghiện

 

Trung tâm số V hiện có 18 cán bộ và nhân viên y tế trực tiếp làm việc ở khu điều trị cắt cơn giải độc, trong đó có 2 bác sĩ, còn lại là y tá, nhân viên chuyên ngành y và điều dưỡng phục vụ cho hàng nghìn bệnh nhân đến điều trị nghiện.

Không giống như các cơ sở chữa bệnh khác, tại Trung tâm số V, các nhân viên y tế rất ngại nói về công việc của chính mình. Phải lắng nghe, tìm hiểu thêm và tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy được những vất vả, cực nhọc trong công việc của các anh chị.

Theo anh Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1987, trung cấp Quân y, đã về công tác tại Trung tâm số V được 8 năm), công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, luôn luôn sát cánh đồng hành, động viên bệnh nhân chiến thắng, vượt qua những cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

Anh Minh chia sẻ, lúc mới về Trung tâm, biết học viên có một số người nhiễm HIV, anh cũng rất sợ bị lây nhiễm. Rồi áp lực công việc khi phải trực 24/24 khiến anh có ít thời gian dành cho gia đình, vợ con. Nhưng nhờ được trang bị kiến thức vững vàng, sự động viên của gia đình, các anh chị em đồng nghiệp, niềm mong muốn được giúp đỡ những người lầm lỡ đã giúp anh trụ được đến bây giờ.

Với những y, bác sỹ nữ tại Trung tâm, công việc lấy thuốc, nhắc nhở bệnh nhân uống theo đúng giờ giấc, hoặc giúp bệnh nhân trong các sinh hoạt hằng ngày tưởng chừng giản đơn với những bệnh nhân thường, song với những bệnh nhân nghiện ma túy (tại Trung tâm số V chỉ có học viên nam) thì lại khá phức tạp, yêu cầu cao về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Nhiều bệnh nhân còn có hành động trêu chọc, nếu các chị không vững vàng, khéo léo có thể khiến bệnh nhân phản ứng vượt tầm kiểm soát, gây nguy hiểm đến bản thân các chị.

Công việc vất vả là vậy, nhưng chị em tại Trung tâm hầu như không dám chia sẻ với gia đình về công việc của mình để họ không phải lo lắng.

Theo chia sẻ của các y bác sỹ, trong quá trình điều trị, giai đoạn cắt cơn giải độc khi bệnh nhân mới vào Trung tâm là khó khăn nhất. Người nghiện không được sử dụng ma túy sẽ xuất hiện hội chứng cai, khi đó trạng thái tâm lý họ không bình thường, họ có thể chống đối và gây thương tích cho người điều trị chăm sóc. Không ít trường hợp cán bộ, nhân viên, y bác sỹ của Trung tâm bị học viên, tấn công, khống chế. Trong môi trường làm việc đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ học viên sang cán bộ là rất cao, trong đó có phơi nhiễm HIV. Điều may mắn là tới nay, chưa có cán bộ nhân viên nào của Trung tâm bị phơi nhiễm.

Khó khăn từ bệnh nhân là một chuyện, nhiều khi các y bác sỹ tại Trung tâm số V phải “giải quyết vấn đề” từ gia đình bệnh nhân. Nhiều gia đình chiều con thái quá, đưa con vào Trung tâm để cai nghiện nhưng đến khi thấy con vật vã, lại xin đưa ra. Lúc này các y bác sỹ lại phải làm công tác tư tưởng với gia đình bệnh nhân, để họ động viên con em tuân thủ điều trị, phối hợp với Trung tâm.

Khi mới đến Trung tâm số V, như bao bệnh nhân khác, anh H (Đông Anh, Hà Nội) có tâm trạng lo lắng, hoang mang bởi không biết mình có đủ sức mạnh ý chí để vượt thử thách của giai đoạn cắt cơn hay không. Sau đó, được sự tư vấn, chăm sóc, điều trị của các y bác sỹ, anh đã cắt cơn thành công, không còn thèm nhớ ma túy. Vào điều trị tại Trung tâm được 3 tháng, hàng ngày anh H tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, lao động trị liệu tại Trung tâm.

“Lúc em mới vào, các thầy, cô (anh H cũng như các học viên Trung tâm số V đều gọi các y, bác sỹ là ‘thầy, cô’) đã trò chuyện, tâm sự với em nhiều lắm. Được chia sẻ như những người bạn tâm giao nên em yên tâm điều trị. Sau này cai được nghiện, em sẽ không quên thời gian ở đây được các thầy cô giúp đỡ”, anh H chia sẻ.

Với quan điểm làm ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người, các y, bác sỹ Trung tâm số V đã bền bỉ trải qua nhiều áp lực công việc và nguy hiểm cận kề để giúp nhiều người nghiện được chăm sóc sức khỏe tốt nhất và được quan tâm động viên để có niềm tin cũng như quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.