Bạo lực lời nói gây nhiều hậu quả với học sinh LGBT
Báo Tiếng chuông - 04/02/2017
Học sinh đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) thể hiện nhận thức về bạo lực liên quan đến xu hướng tính dục, bản dạng và thể hiện giới (SOGIE) đầy đủ, sâu sắc hơn các nhóm khác, nhất là đối với bạo lực về lời nói và những hệ lụy tiêu cực lâu dài của nó.

Đó là chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Học viện Quản lý giáo dục về tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực với học sinh LGBT trong các trường học.

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Liên Hợp Quốc và Việt Nam gần đây đã nhấn mạnh rằng bắt nạt do chứng ghét sợ đồng tính và chuyển giới trong nhà trường là vi phạm quyền được giáo dục và những quyền khác của trẻ em. Việt Nam đã cam kết  tham gia vào các hành động mạnh mẽ khắp toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương chống nạn bắt nạt và bạo lực do chứng ghét sợ đồng tính và chuyển giới liên quan đến nhà trường.

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Bạo lực học đường liên quan đến SOGIE có thể tác động tiêu cực đến học tập cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Tuy nhiện hiện còn thiếu những chính sách bảo vệ đối với học sinh LGBT trong nhà trường.

Theo nghiên cứu của GS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến về bạo lực học đường liên quan đến SOGIE với 3.698 người gồm học sinh nhà trường, học sinh LGBT, các thầy cô giáo và phụ huynh tham gia cung cấp thông tin định lượng và 365 người tham gia cung cấp thông tin định tính.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh LGBT thể hiện nhận thức về bạo lực liên quan đến SOGIE đầy đủ, sâu sắc hơn các nhóm khác, nhất là đối với bạo lực về lời nói và những hệ lụy tiêu cực lâu dài của nó.

"Giáo viên coi chuyện đó (đồng tính, chuyển giới…) là cái gì ghê tởm”, một học sinh chuyển giới từ nam sang nữ ở miền Nam chia sẻ.

“Em cảm giác mình không được tôn trọng. (Thầy giáo) bảo mình không phải là con trai, viết lên bảng lấy ví dụ linh tinh, em cảm thấy mình bị xúc phạm cực kì”, một học sinh nữ không tuân theo khuôn mẫu giới ở miền Bắc trả lời trong một cuộc phỏng vấn sâu.

Bên cạnh đó, học sinh LGBT dễ bị bạo lực dưới mọi hình thức hơn các học sinh không phải LGBT. Hơn 71% học sinh LGBT được hỏi cho biết bị bạo lực tinh thần và lời nói.

"Trong trường, em đi đến đâu thì cũng sẵn sàng có một nhóm đứng ra bình phẩm, đánh giá đứa này đứa kia rồi sờ vào người, kể cả là không quen”.

“Con bị nhốt vào phòng và đánh (khi công khai là đồng tính) vì các bạn khác cho rằng “những người như con làm ô uế nhà trường”.

"Thầy giáo nói em là “biến thái” trước cả lớp".

Một học sinh chuyển giới giải thích việc bị loại ra khỏi nhóm nhảy mà em từng làm trưởng nhóm như thế nào, do "có người bảo trên Facebook rằng không thể chấp nhận một trưởng nhóm mà lại biến thái’’.

GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết, khi bị bạo lực, lực chọn phổ biến nhất là tìm kiếm sự hỗ trợ của người lớn-29,3% học sinh LGBT đã chọn phương án này. Lựa chọn phổ biến thứ hai là ‘Không làm gì cả/im lặng chịu đựng (18,7% học sinh LGBT đã chọn cách phản ứng này)Nhiều học sinh LGBT bị bạo hành có ý nghĩ tự tử hoặc làm mình bị thương (trong 12 tháng trước khảo sát); bỏ học hoặc sử dụng chất có cồn. Nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý khiến kết quả học tập dưới trung bình.

Theo GS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực với LGBT là do nhận thức chưa đầy đủ về bạo lực liên quan đến SOGIE. Các định kiến, chuẩn mực về tính dục và giới tác động đến các học sinh. LGBT và có thể dẫn tới bạo lực học đường liên quan đến SOGIE.

Chính vì vậy, GS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, các cơ quan xây dựng chương trình giảng dạy và hoạch định chính sách cần rà soát, điều chỉnh các nguồn lực giáo dục một cách rõ ràng và xây dựng chính sách để đưa ra những quy định, chỉ dẫn cụ thể trong một số lĩnh vực.

Các trường cần phải tính đến cả các biện pháp can thiệp có tính giáo dục (đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhân viên, rà soát lại các chương trình giảng dạy, sách giáo khoa v.v…) và những hành động hỗ trợ đặc thù và thiết thực (như cho phép sự linh hoạt trong quy định mặc đồng phục và xây phòng vệ sinh không phân biệt giới tính) trong các nỗ lực tổng thể và trực tiếp nhằm tạo nên môi trường an toàn và thân thiện cho học sinh LGBT.

Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu tiếp theo để khắc phục một vài hạn chế trong nghiên cứu này, trong đó có cả việc điều tra về sử dụng các nguồn lực hữu ích cho chủ đề SOGIE và các biện pháp can thiệp đối với bạo lực liên quan đến SOGIE.